Cụ thể, siêu tàu khách quốc tế Spectrum of the Seas trên hành trình du ngoạn Đông Nam Á đã đưa hơn 3.800 du khách của nhiều nước cập cảng Tân Cảng - Cái Mép thuộc phường Tân Phước, TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là tàu du lịch quốc tế thứ 7 chở nhiều du khách nhất đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính từ đầu năm 2023. Đây cũng là siêu tàu quốc tế lớn nhất cập cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính từ thời điểm tháng 10-2022, sau đại dịch Covid-19.
Cảng Tân Cảng - Cái Mép, thuộc cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu) là một trong những cảnh biển lớn của Việt Nam. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được sử dụng phục vụ giao thương hàng hóa và du lịch. Hiện nay, cảng Thị Vải - Cái Mép có thể đón tàu siêu trọng chuyên chở hàng hóa và siêu tàu du lịch.
Hiện nay, cảng quốc tế Cái Mép thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu đang là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, cảng quốc tế Cái Mép là 1 trong 2 cảng biển xếp vào loại đặc biệt được ưu tiên đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 100.000 DWT; tàu hàng lỏng (dầu; LPG…) trọng tải đến 80.000 DWT và tàu container trọng tải đến 214.000 DWT (sức chở 18.340 TEUs).
Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cảng quốc tế Cái Mép là một trong hai cụm cảng đặc biệt của hệ thống cảng biển Việt Nam, có rất nhiều lợi thế vượt bậc, có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.
Cảng quốc tế Cái Mép là cụm cảng trung chuyển quốc tế có tần suất cao nhất trực tiếp đi châu Âu, Bắc Mỹ và là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến đến 250.000 tấn.
Hơn nữa, cảng quốc tế Cái Mép thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới, hàng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.
Trên thực tế, cảng quốc tế Cái Mép được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu vào năm 2022.
Top 11 cảng container hoạt động tốt nhất thế giới. Nguồn: Theo WB và S&P Global Market Intelligence.
Trong đó, cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng cao hơn 3 cảng trung chuyển lớn là cảng PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông (thứ 38) và Yokohama của Nhật Bản (thứ 12).
Ngoài ra, theo tạp chí hàng hải Lloyd's List (Anh), cảng biển Cái Mép ở vị trí thứ 32/50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới, có lượng hàng thông qua đạt 5,38 triệu Teus vào năm 2021. Cảng Cái Mép được nhận định là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.
Cùng với đó, theo dữ liệu của Lloy's List, cảng Cái Mép đã tăng 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới, từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 32 chỉ trong 1 năm. Theo đó, Cái Mép là cảng biển có độ nhảy thứ hạng lớn nhất trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới năm 2022 theo thống kê của Lloyd's List.
Lloy's List cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng của cảng Cái Mép có được sau khi Cái Mép có thêm cảng Gemalink đi vào hoạt động.
Tại Cái Mép, Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã thông qua hơn 2 triệu Teus trong 2 năm liên tiếp và đón những chuyến tàu lớn. Trong khi đó, Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT lại đón những chuyến tàu của các hãng tàu lớn thế giới như Maersk Lines, Cosco, OOCL… với trọng tải tàu có thể tiếp nhận lên tới hơn 200.000 DWT.
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) có diện tích đạt 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT.
Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.