Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho nối lại xuất khẩu gạo với lượng 400.000 tấn trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã cử quân số "trực" trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) để đăng ký. Chỉ trong 3 tiếng, từ 0h đến 3h sáng ngày 12/4, toàn bộ hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn đã đăng ký xong.
Theo đó, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong giới xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn.
Được biết, Tập đoàn Intimex có trên 900 lao động, vốn điều lệ là 223 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Một kho gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh.
Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp đăng ký thành công số lượng lớn như Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty CP Hiệp Lợi, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000-17.000 tấn…
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An - đơn vị đã may mắn đăng ký được 1.300 tấn gạo nếp xuất khẩu trong tháng 4, cho biết: "Ngay sau khi có thông tin Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại với lượng 400.000 tấn trong tháng tư, từ tối ngày 10/4, doanh nghiệp của tôi cử hẳn một đội ngũ canh trên cổng đăng ký mở tờ khai hải quan, click chuột liên tục. May mắn là sau đó chúng tôi đã đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu 1.300 tấn gạo, tương đương 52 container. Còn nhiều doanh nghiệp khác không biết, hoặc ngủ quên coi như mất cơ hội vì Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai online vào lúc nửa đêm chủ nhật 12/4 từ 0h đến 3h sáng là đóng cổng vì đã khai xong số lượng 400.000 tấn".
Cũng theo bà Liên, việc doanh nghiệp của bà đăng ký được là do may mắn, hên xui chứ không hề có thông tin nào trước đó. "Thậm chí, khi có văn bản đề xuất của Bộ Công Thương, chúng tôi có hỏi thông tin về mở tờ khai hải quan, họ còn trả lời chắc phải thứ hai (13/4) mới có. Nếu chúng tôi không kiên trì chắc cũng đã mất cơ hội" - bà Liên nói thêm.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho hay rất nhiều doanh nghiệp thành viên của VFA cũng không kịp mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo do không có thông tin hải quan cho mở tờ khai nên không kịp trở tay.
Được biết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên liên quan đến xuất khẩu gạo gửi đến Thủ tướng Chính phủ và ngành chức năng trong thời gian sớm nhất.
Sau nửa tháng từ thời điểm Việt Nam thực hiện chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo (0 giờ ngày 24/3), giá chào bán đối với loại gạo 5% tấm của Thái Lan- loại gạo trong cùng phân khúc xuất khẩu với Việt Nam - được đẩy lên cao nhất đến 102 USD/tấn.
Giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của Thái Lan vào ngày 25/3 là 466-470 USD/tấn công bố trên trang web www.vietfood.org.vn, thì đến ngày 7/4 được nâng lên mức 568-572 USD/tấn. Trong khi đó, loại gạo 25% tấm được chào bán vào ngày 25/3 là 441-445 USD/tấn, thì đến ngày 7/4 là 518-522 USD/tấn.