Thông thường, giá cổ phiếu sẽ tỷ lệ thuận với tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều trường hợp giá cổ phiếu vẫn tăng cao đột biến bất chấp tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp.
Hàng loạt cổ phiếu kinh doanh không tốt nhưng cổ phiếu tăng nóng trong 3 tháng gần đây (thống kê từ ngày 2/8 đến ngày 12/11)
Quán quân trong "cuộc đua" tăng giá cổ phiếu phải kể đến mã SDA của Công ty Cổ phần Simco Sông Đà khi có đà tăng "nóng bỏng tay" gấp 13 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Đầu tháng 8, cổ phiếu SDA còn loanh quanh ở mức 4.485 đồng/cổ phiếu, sang đến tháng 11 mã này đã nhảy vọt lên mức 63.000 đồng/cổ phiếu (phiên sáng 12/11). Từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA lên đến hàng trăm nghìn đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu SDA tăng giá chóng mặt trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong quý 3/2021, doanh thu SDA đi ngang ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 923 triệu đồng.
Theo tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên, năm 2021 Simco Sông Đà đặt mục tiêu thấp với doanh thu 20 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 triệu đồng. Tháng 8/2020 cổ phiếu này cũng bị đưa vào diện cảnh cáo do lợi nhuận sau thuế liên tục ghi nhận số âm.
Tương tự, cổ phiếu L18 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 cũng có màn tăng giá ngoạn mục dù kết quả kinh doanh đi lùi. Từ vùng giá 18.900 đồng vào đầu tháng 8, cổ phiếu L18 bất ngờ tăng đến mức đỉnh hơn 76.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11, tương đương mức tăng 299% sau 3 tháng. Đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của L18 trên sàn chứng khoán. Hiện, mã này đang điều chỉnh về mức 64.500 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 12/11.
Trái ngược với giá trên thị trường, hoạt động kinh doanh của đơn vị này không có gì nổi bật khi doanh thu quý 3/2021 của L18 giảm 15% còn 400 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 45% xuống 7,7 tỷ đồng.
Hơn nữa, nhìn vào dòng tiền kinh doanh âm liên tục trong nhiều năm có thể thấy hoạt động kinh doanh của L18 đang tiềm tàng bất ổn. Áp lực từ dòng tiền kinh doanh khiến Công ty phải tăng cường vay nợ. Tính đến cuối tháng 9, nợ phải trả của L18 là 2.660 tỷ đồng, cao gần gấp 5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Diễn biến giá cổ phiếu DTA của Công ty Cổ phần Đệ Tam cũng khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng. Chỉ sau 3 tháng, giá DTA chạy thẳng một mạch từ vùng 9.100 đồng hồi đầu tháng 8 lên 27.300 đồng/cổ phiếu vào phiên 12/11, tương đương mức tăng gấp 3 lần. Đà tăng giá này đến sau khi cổ phiếu này được đưa ra khỏi diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 là 4,45 tỷ đồng.
Tuy tình hình kinh doanh có sự cải thiện, song Công ty vẫn ghi nhận thua lỗ. Doanh thu quý 3/2021 ghi nhận 13,7 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ việc bán căn hộ và nguồn thu từ việc bán sắt thép. Doanh thu không đủ bù chi phí khiến doanh nghiệp báo lỗ 128 triệu đồng, cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng.
Tuy lãi ròng nhỏ giọt, song cổ phiếu DIH của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An cũng tăng phi mã từ mức giá 21.600 đồng vào đầu tháng 8 lên mức 63.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 12/11, tương đương mức tăng 214% sau 3 tháng.
Với DIH, trong quý 3/2021 ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu lên 40,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng 42%. Tuy nhiên, áp lực về chi phí vật tư tăng mạnh khiến giá vốn của Công ty tăng đột biến, lãi ròng ghi nhận chỉ vỏn vẹn 13 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 32 triệu đồng.
Tương tự, dù hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội nhưng giá cổ phiếu LIG của Công ty Cổ phần Licogi 13 vẫn "nhảy múa" trên thị trường. Chỉ sau 3 tháng, cổ phiếu LIG có màn tăng giá ngoạn mục từ 6.820 đồng lên 17.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 150%.
Cổ phiếu tăng mạnh, nhưng hoạt động kinh doanh của LIG đi lùi khi doanh thu quý 3/2021 tăng nhẹ lên 497 tỷ đồng, song chi phí giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ ghi nhận 2,1 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.
Màn tăng giá ấn tượng trong thời gian ngắn cũng diễn ra với cổ phiếu TDG của Công ty Cổ phần Đầu tư TDG Global. Theo đó, cổ phiếu này tăng mạnh từ 4.000 đồng từ đầu tháng 8 lên mức giá hiện tại là 11.350 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên mức tăng giá 182% này không đến từ kết quả kinh doanh của Công ty khi doanh thu giảm một nửa xuống còn 353 tỷ đồng, lãi ròng chỉ đạt vỏn vẹn 125 triệu đồng, giảm 96% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ ghi nhận 3,8 tỷ đồng.
CTCP Hãng sơn Đông Á (mã HDA) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi khi doanh thu đạt 66 tỷ đồng, giảm 26% và lãi ròng cũng giảm 53% xuống còn 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên đà suy giảm của hoạt động kinh doanh cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu khi mã này vẫn tăng mạnh từ 18.800 đồng vào đầu tháng 8 lên mức 27.800 đồng/cổ phiếu phiên 11/11.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đà tăng nóng của nhiều cổ phiếu "trà đá" xuất phát từ việc nhiều nhà đầu tư mới thường chọn những cổ phiếu có thị giá thấp với kỳ vọng chốt lời trên doanh số cổ phiếu nắm giữ. Theo đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới thường thiếu kiên nhẫn, sẵn sàng cắt lỗ bluechips để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở nhóm nhỏ hơn. Chính sóng đầu cơ ngày càng mạnh mẽ đã tạo đà cho những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.