Điển hình nhất là trường hợp bán dự án ma của Công ty cổ phần King Home Land. Công ty này đang bị nhiều khách hàng tố cáo lừa đảo lên Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) khi bán đất nền tại các dự án King Home 2 (Q.12), King Home 4 (Q.9, đều ở TP.HCM), King City Long Thành (Long Thành, Đồng Nai)...
Trước đó, nhiều dự án của Công ty cổ phần King Home Land đã bị cơ quan chức năng phát đi các thông báo cảnh báo đến người dân tránh bị lừa. Cụ thể, UBND Q.9 đã cắm bảng cảnh báo dự án "ma" tại dự án King Home 4 trên thực tế là thửa đất 527, tờ bản đồ số 21 ở P.Long Trường. UBND Q.12 cũng đã tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế công trình xây dựng không phép có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép tại khu đất ở KP.5, P.Thạnh Xuân (Q.12) bởi khu đất này chưa thực hiện các thủ tục phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện việc tách thửa và nghĩa vụ thuế.
Tại Bình Dương, mới đây Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc xác minh theo đơn tố giác tội phạm của nhiều người dân đối với Công ty Bình Dương City Land, địa chỉ tại P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Cùng thời điểm hàng trăm người mua đất tiếp tục kéo đến trụ sở Bình Dương City Land đòi lại tiền đã nộp để mua đất nền tại các dự án: Green City 1, 2, 3, Phúc Long 1, 2 (H.Bàu Bàng) và Phúc Long 3 (H.Phú Giáo)
Được biết, tại các địa điểm mà Bình Dương City Land rao bán đất nền ở huyện Phú Giáo và Bàu Bàng vẫn chỉ là những bãi đất trống và không biết chủ đất là ai. Tại cùng 1 lô đất ở H.Bàu Bàng nhưng được Bình Dương City Land này “vẽ” thành 3 dự án khác nhau với số lượng khoảng trên 300 nền đất và đã bán hết cho người mua.
Mới đây nhất, ngày 21/2, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng cho hay, Cơ quan CSĐT vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Tấn Vỹ (SN 1975, trú phường Điện An, thị xã Điện B) và Hoàng Văn Ngọc (SN 1991, trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Thành Nam, địa chỉ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo hồ sơ điều tra, ông Huỳnh Tấn Vỹ đã bán thửa đất số 210 (đất vườn, diện tích trên 4.100m2) thuộc tờ bản đồ số 3 tại khối phố Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, cho công ty CP Nhất Thành Nam, với số tiền 16,5 tỷ đồng. Diện tích đất này chưa được chuyển đổi mục đích từ đất vườn sang đất ở nhưng ông Vỹ và công ty CP Nhất Thành Nam đã "vẽ dự án ma" mang tên Coco Green Home. Trên diện tích đất này, công ty CP Nhất Thành Nam đã tiến hành thi công đường bê-tông nội bộ và phân 40 lô đất nền và bán cho 34 khách hàng, thu hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh loạt dự án ma, quan sát trên thị trường có thể thấy hiện nay hàng loạt dự án BĐS chưa đủ pháp lý cũng đang được các chủ đầu tư rầm rộ tung ra thị trường khiến không ít khách hàng hoang mang khi cơ quan chức năng công bố dự án chưa đủ điều kiện pháp lý bán hàng.
Điển hình nhất là mới đây, báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM hồi giữa tháng 2/2020 đã chỉ rõ những sai phạm tại dự án Valencia Riverside và Simcity tại địa phận Q.9. Cụ thể, tại dự án Valencia Riverside, chủ đầu tư đã vi phạm khi tổ chức thi công xây dựng công trình sai quy hoạch được duyệt. Với hành vi này, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư phải phá dỡ công trình vi phạm. Tiếp đến, chủ đầu tư dự án Valencia Riverside còn đã vi phạm trong việc chuyển nhượng một phần dự án, dẫn đến việc huy động vốn trái pháp luật.
Còn tại dự án Simcity, chủ đầu tư đã vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không có giấy phép xây dựng. Đến khi có giấy phép được cấp, chủ đầu tư dự án Simcity tiếp tục xây sai với nội dung giấy phép. Được biết, vẫn còn nhiều mập mờ liên quan đến ông chủ dự án này khi có sàn giới thiệu chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Tập đoàn MIKGroup Việt Nam (MIKGroup), nhưng có sàn lại giới thiệu là Công ty TNHH Đầu tư CTP Đại Dương hoặc Công ty CP Đầu tư quốc tế Anpha Holdings (Anpha Holdings).
Ngoài hai dự án trên, TPHCM cũng ghi nhận thêm 1 dự án là Thủ Thiêm River Park (KĐT Thủ Thiêm) do CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư. Tại Dự án này, CII đã được UBND TP HCM giao thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc thuộc khu chức năng số 3, số 4 và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mặc dù pháp lý vẫn chưa xong nhưng thông tin dự án Thủ Thiêm River Park sắp được chào bán xuất hiện rầm rộ trên nhiều trang mạng. Mức giá của dự án siêu sang này từ 6.000 USD/m2.
Còn tại Hà Nội, Dự án Tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng (tên thương mại: The Jade Ochird) toạ lạc tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) do Công ty CP BĐS Vimedimex (thương hiệu bất động sản Vimefulland) đại diện cho liên danh nhà đầu tư cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Mặc dù Dự án The Jade Ochird vẫn là bãi đất trống chưa được triển khai thi công, thế nhưng hiện nay bất ngờ trên nhiều trang website lại đang quảng cáo và rao bán các căn hộ tại dự án này một cách khá rầm rộ.
"Để mua được căn hộ tại đây thì khách hàng phải ký quỹ, nộp số tiền 300 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chuyển vào ngân hàng để đảm bảo khách hàng sau này sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án. Sau 1 năm, nếu chưa ký hợp đồng mua bán căn hộ thì sẽ được ngân hàng tính lãi 7%/năm", thông tin mời chào bán dự án của môi giới trên mạng.
Nhận định về các dự án ma, dự án chưa đủ điều kiện bán hàng tái xuất rầm rộ, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhiều người mua đất nền với kỳ vọng sẽ nhận được lợi nhuận lớn nên lao vào đầu tư theo đám đông, sau đó sập bẫy của cò đất và doanh nghiệp làm ăn không chân chính.
Bà Dung lưu ý các nhà đầu tư đi mua đất nền vẫn là luôn phải tính táo. "Với bản thân dự án phải xem dự án đó có nằm trong quy hoạch hay không, pháp lý đã đầy đủ chưa. Phải xem xét cẩn trọng xung quanh dự án có thật là có những cơ sở hạ tầng như chủ đầu tư quảng cáo hay không. Vì việc sản phẩm có tăng giá được hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng", bà Dung đưa ra lời khuyên.