Sáng nay, Đài CNN đưa ra danh sách cập nhật loạt tập đoàn hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực ô tô, hàng không, công nghệ, năng lượng, tài chính, truyền thông - giải trí, vận tải thủy... rời Nga theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đài này nhận định, ngày càng có nhiều công ty quốc tế, bao gồm Apple, Disney và Ford, giảm các hoạt động ở Nga sau khủng hoảng tại Ukraine.
Hôm thứ Ba (1/3), Exxon tuyên bố sẽ từ bỏ dự án ở Nga, trong khi Boeing cho biết họ đã đình chỉ các hoạt động lớn ở Moscow.
Các công ty năng lượng toàn cầu khác, bao gồm cả BP và Shell, cũng có động thái tương tự. Và nhiều hãng giải trí, như Disney và WarnerMedia, đã ngừng phát hành phim tại thị trường này.
Ô tô
Hôm thứ Ba, Ford đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại Nga. Nhà sản xuất ô tô Mỹ có 50% cổ phần trong Ford Sollers (Sollers là công ty Nga), một liên doanh sử dụng ít nhất 4.000 người.
Trước đó, Ford "quan ngại sâu sắc về tình hình ở Ukraine", nhưng không đi đến mức dừng hoạt động tại ba thành phố của Nga nơi công ty có nhà máy đóng trụ sở, bao gồm St. Petersburg, Elabuga và Naberezhnye Chelny.
Một đại lý và trung tâm dịch vụ của Ford. Ảnh minh họa: TASS.
Trên thực tế, ông lớn ngày "cắt giảm đáng kể" các hoạt động tại Nga trong những năm gần đây và có "một đội ngũ công dân Ukraine hùng hậu đang làm việc tại Ford trên khắp thế giới".
General Motors cho rằng sẽ tạm dừng tất cả xuất khẩu sang nước này "cho đến khi có thông báo mới".
GM không có sự hiện diện đáng kể ở Nga. Hãng chỉ bánkhoảng 3.000 xe mỗi năm thông qua 16 đại lý, theo một người phát ngôn. Một phần rất nhỏ trong số 6 triệu xe mà nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit bán hằng năm trên toàn thế giới.
Hàng không
Boeing cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ đình chỉ hoạt động hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga.
Người phát ngôn của công ty xác nhận rằng họ đang tạm dừng "các bộ phận, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga", đồng thời "đình chỉ các hoạt động chính ở Moscow và tạm thời đóng cửa văn phòng của chúng tôi ở Kyiv".
"Khi xung đột tiếp tục, đội ngũ của chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho các nhân viên của chúng tôi trong khu vực", người đại diện nói thêm.
Airbus theo sau Boeing với một động thái tương tự vào thứ Tư. Trong một tuyên bố, hãng sản xuất máy bay cho biết họ đã "đình chỉ các dịch vụ hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga, cũng như việc cung cấp phụ tùng thay thế cho nước này".
Công nghệ
Trong thông báo mới đây, Apple đã xác nhận ngừng bán các sản phẩm của mình ở Nga .
Công ty cho biết trong tuyên bố rằng có "quan ngại sâu sắc" về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đồng thời sẽ giới hạn quyền truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn như Apple Pay, bên trong Nga cùng hạn chế khả năng cung cấp của các ứng dụng truyền thông nhà nước của Nga ngoài biên giới nước này.
Một cửa hàng Apple tại Moscow (Nga). Ảnh: TASS.
Năng lượng
BP, cho biết hôm Chủ nhật, có kế hoạch thoái lui 19,75% cổ phần của mình trong công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, Rosneft, và các liên doanh. Đây là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Nga.
Công ty dầu khí Na Uy Equinor cũng sẽ bắt đầu rời các liên doanh ở Nga theo kế hoạch thông báo hôm thứ Hai.
Hôm thứ Ba, Exxon đã cam kết sẽ rời bỏ dự án dầu khí cuối cùng của mình ở Nga và không đầu tư vào những dự án phát triển mới ở nước này.
Theo trang web của dự án, liên doanh Sakhalin-1 là "một trong những khoản đầu tư trực tiếp quốc tế lớn nhất vào Nga". Một công ty con của Exxon có 30% cổ phần, Rosneft cũng có cổ phần tại dự án này.
Sau khi từ bỏ, Exxon sẽ chấm dứt hơn một phần tư thế kỷ liện tục hiện diện kinh doanh ở Nga.
Trạm xăng của Shell tại Nga năm 2020. Ảnh: Bloomberg.
Shell cũng đang rút khỏi Nga và từ bỏ các liên doanh với Gazprom, bao gồm thoái lui khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2.
Công ty dầu mỏ có trụ sở tại Anh hôm thứ Hai cho biết họ sẽ bán cổ phần của mình trong một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cổ phần của họ trong dự án phát triển các mỏ ở Tây Siberia và lợi ích của họ trong một dự án thăm dò ở bán đảo Gydan ở Tây Bắc Siberia.
TotalEnergies hôm thứ Ba cũng thừa nhận sẽ không cấp vốn cho các dự án mới ở Nga.
Tài chính và vận tải thuỷ
Thủ tướng Na Uy cho biết quỹ tài sản trị giá 1.300 tỷ USD của Na Uy sẽ thoái cổ phần tại 47 công ty Nga cũng như trái phiếu chính phủ Nga.
Mastercard thông báo hôm thứ Hai rằng đã "chặn nhiều tổ chức tài chính" khỏi mạng lưới do các lệnh trừng phạt chống Nga và sẽ "tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý trong những ngày tới". Visa cũng có động thái tương tự.
Trong khi đó, hai hãng vận tải thuỷ là Maersk và MSC đều đang tạm dừng đặt hàng với Nga.