Đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực đầu tư phân hóa không đồng đều khi 76,4% vốn – chiếm 1,54 tỷ USD tập trung vào công nghệ chế biến, chế tạo. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu USD, chỉ chiếm 8,9% tổng vốn đã đăng ký.
Tiếp đà năm 2020, Singapore vẫn là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong tháng 1/2021 với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,8%. Theo sau đó là Trung Quốc với 618 triệu USD (tương đương 30,6%) và Hồng Kông (Trung Quốc) với 221,3 triệu USD (tương đương 11%).
Một số dự án FDI lớn trong tháng 1/2021
Dự án chế tạo lốp xe Radian Jinyu (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD. Dự án này đã được đầu tư 300 triệu USD trước đó vào năm 2020 bởi Iinyu Tire với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Jinyu Tire là tập đoàn sản xuất lốp xe Trung Quốc. Sản phẩm của Jinyu Tire được phân phối rộng khắp Trung Quốc và hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Ngày 18/11/2019 tại KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh đã diễn ra lễ khánh thành Nhà máy ACTR với công suất dự kiến là 2.000.000 sản phẩm/năm.
Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD. Được đầu tư bởi Foxconn Singapore PTE Ltd, Nhà máy Fukang Technology khi hoàn thành sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm một năm.
Foxconn là công ty sản xuất linh kiện điện tử, máy tính lớn nhất thế giới với hơn 800 công ty và chi nhánh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia,… Foxconn là đối tác lớn sản xuất iPhone, iPad, Macbook cho Apple. Tại Bắc Giang, tập đoàn này sẽ sản xuất iPad và Macbook.
Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam với vốn đầu tư 210 triệu USD tại KCN Quang Châu, Bắc Giang. Dự án của nhà đầu tư Ja Solar Investment Limited (trụ sở chính tại Hồng Kông, Trung Quốc) có mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm.
Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Tổng diện tích dự án là 43 ha, được xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Công suất thiết kế của dự án là 270.000.000 sản phẩm/năm (100% sản phẩm xuất khẩu). Các sản phẩm chính của Everwin Precision Việt Nam gồm: vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại, lắp ráp dây cáp, các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô tô năng lượng mới.
Dự án Nhà máy vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Dự án được đăng ký thực hiện bởi 2 nhà đầu tư là ông Ha Vinh Ly và bà Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ), hiện là chủ sở hữu của Công ty Hayward Quartz Technology INC tại thung lũng Silicon (Mỹ).
Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises dự kiến khởi công xây dựng vào quý II năm nay và hoạt động chính thức vào quý II/2023 với mục cụm chi tiết bằng silic, gốm, thạch anh, đá saphia, thủy tinh và bằng các vật liệu bán dẫn khác cho các loại máy móc thiết bị sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử.