Nguyên nhân của dòng dịch chuyển lần này xuất phát từ việc Nhà nước đang ưu tiên đầu tư mạng lưới giao thông toàn diện bao gồm cầu, đường, đường sắt, cao tốc, hàng không nhằm đảm bảo kết nối thông suốt từ ĐB.SCL đến TP.HCM.
Theo số liệu thống kê, đến năm 2019, ĐB.SCL có 21,2 triệu người, là vùng có dân số đông nhất cả nước. Ngoài ra, nơi đây là vựa nông nghiệp, thủy sản trọng yếu, có lợi thế du lịch biển, đảo, sinh thái phong phú nên được đánh giá vô cùng giàu tiềm năng nếu hạ tầng giao thông phát triển xứng tầm.
Về định hướng phát triển hệ thống giao thông ĐB.SCL, đối với đường bộ thì hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ – Cà Mau, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (nằm trong cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ). Đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu cũng được chỉ định xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2030. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 45,000 tỷ đồng, dài 225 km. Cao tốc này kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống để rút ngắn thời gian di chuyển từ Kiên Giang tới TP.HCM còn khoảng 4h30 phút.
Các quốc lộ hiện hữu cải tạo nâng cấp như dự án nâng cấp Quốc lộ 80 đi qua địa phận TP Hà Tiên; Dự án nâng cấp Quốc lộ N1. Đặc biệt, Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được chỉ định sẽ hoàn thành trong năm 2020. Đây là tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư như đường cao tốc nối Kiên Giang với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.
Đối với đường biển tập trung cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng trên sông Hậu, sông Tiền, bán đảo Cà Mau và ven biển Tây. Trong đó, Nhà nước yêu cầu ưu tiên tập trung hoàn thiện dự án đường hành lang ven biển (vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng) có điểm đầu từ Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia và kết thúc tại thành phố Cà Mau với tổng chiều dài 950km. Đoạn đi qua địa phận Việt Nam dài khoảng 217km có điểm đầu tại Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.
Về đường sắt, xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau tuân thủ Quyết định 1468/2015 của Thủ tướng.
Về đường hàng không, đến năm 2030, các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E (tiêu chuẩn của tổ chức hàng không quốc tế ICAO), các cảng nội địa Cà Mau, Rạch Giá đạt tiêu chuẩn cấp 4C.
Ngoài ra, việc xây cầu vượt biển nối Hà Tiên - Phú Quốc, khoảng cách ngắn nhất giữa đảo ngọc với đất liền cũng sớm sẽ trở thành hiện thực khi nhiều kỹ thuật công nghệ xây cầu hiện đại không còn xa lạ với người Việt. Hiện một tập đoàn địa ốc Singapore đã đề xuất cây cầu này với vốn dự kiến giai đoạn đầu khoảng 12.000 tỷ đồng.
Mới đây, giao thông miền Tây tiếp tục chứng kiến mốc son quan trọng khi cầu Vàm Cống chính thức thông xe. Công trình sẽ giúp các tỉnh miền Tây thoát cảnh qua sông lụy phà, kết nối thông suốt với TP.HCM.
Theo tìm hiểu, hai năm trở lại đây thị trường BĐS Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều nhà đầu tư đánh giá là sôi động, khởi sắc và thu hút sự đầu tư của nhiều "ông lớn". Bên cạnh Long An với ưu thế liền kề TP.HCM, thì Kiên Giang và Cần Thơ đang là hai tỉnh nổi bật trong cuộc chạy đua BĐS.
Theo lý giải của các nhà đầu tư, ngoài những dự án giao thông đã và đang đầu tư kể trên, hai địa phương này có những lợi thế đặc thù. Theo đó, Cần Thơ được mệnh danh là "thủ phủ" của vùng, là nơi tập trung của nhiều tập đoàn lớn, kết nối giao thông quan trọng cho 13 tỉnh miền Tây.
Trong khi tỉnh Kiên Giang ngoài lợi thế là đảo ngọc Phú Quốc - thiên đường BĐS nghỉ dưỡng nổi tiếng trong và ngoài nước, thì nơi này còn có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao về du lịch - nghỉ dưỡng từ TP Hà Tiên và quần đảo Hải Tặc.
Thống kê đến năm 2018, Phú Quốc đón gần 300 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD, trở thành khu vực BĐS nóng bậc nhất cả nước. Song đến đầu 2019, cán cân bắt đầu chia sẻ về Hà Tiên. Theo số liệu mới nhất của tỉnh Kiên Giang, trong 16 dự án du lịch và 23 dự án BĐS của Tỉnh này trong giai đoạn 2018 – 2020 tập trung phần lớn ở Hà Tiên, chiếm gần 70%.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang đã công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019-2020, dự kiến sẽ mang ra chào mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh này năm 2019 trong tháng 7 sắp tới. Trong đó, có đến 23 dự án thuộc lĩnh vực BĐS đều tập trung phần lớn cho TP Hà Tiên.
Chưa kể, theo tiết lộ của một số đơn vị phát triển BĐS tại Hà Tiên, sắp tới thành phố biển này sẽ đón nhận dòng vốn lớn từ nhiều chủ đầu tư uy tín. Đơn cử như Vingroup đang hé lộ kế hoạch sẽ xây dựng khu thương mại dịch vụ cao cấp tại trung tâm khu đô thị mới Hà Tiên. City Land cũng ráo riết triển khai một số hoạt động tại Mũi Ông Cọp, chuẩn bị cho kế hoạch tham gia thị trường tiềm năng này.
Tập đoàn Trần Thái cũng chuẩn bị triển khai dự án khu đô thị quy mô hàng nghìn tỷ đồng ven biển Hà Tiên. Hay như dự án Ha Tien Venice Villas do C&T phát triển gần đây cũng tạo ra tiếng vang trên thị trường khi trong đợt công bố mới nhất, toàn bộ khu shophouse gồm 123 căn của dự án này đã được khách đặt mua.
Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường mới nổi này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng nhờ thế mạnh du lịch văn hóa sông nước đặc trưng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà đang có rất nhiều dự án sẽ được triển khai để biến cả vùng trở thành một trung tâm văn hóa, giải trí, du lịch và phát triển các khu đô thị tương xứng. Quỹ đất của các tỉnh, thành trong vùng còn khá lớn trong khi mặt bằng giá còn thấp nhiều so với những tỉnh, thành khác.
"Với một mạng lưới giao thông rộng lớn, kết nối thông suốt từ điểm cuối cùng của đất nước là Cà Mau về TPHCM thì Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng mới. Trong đó, lĩnh vực du lịch và BĐS du lịch sẽ được chú ý nhiều dựa trên những lợi thế sẵn có ở đây", ông Châu nói.