Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD. Với kết quả này, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp tục xuất siêu 1,63 tỷ USD.
Tính trong 4 tháng/2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,19 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,96 tỷ USD, tăng mạnh 45%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,17 tỷ USD, tăng 6%; sang EU (27 nước) đạt 2,44 tỷ USD, giảm 13,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,28 tỷ USD, giảm 3,7%; sang thị trường EU (27 nước) đạt 2,18 tỷ USD, tăng 47,2%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong 4 tháng/2021, trị giá xuất khẩu của máy móc thiết bị điện tử và phụ tùng khác đạt 12,17 tỷ USD, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 5,39 tỷ USD về số tuyệt đối. Xuất khẩu nhóm hàng này sang ba thị trường đứng đầu đều tăng rất cao trong 4 tháng qua. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ đạt 5,71 tỷ USD, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD; sang EU(27 nước) đạt 1,61 tỷ USD, tăng mạnh 76,5%, tương ứng tăng 697 triệu USD; sang Nhật Bản đạt 856 triệu USD, tăng 30,5%, tương ứng tăng 200 triệu USD.
Xuất khẩu hàng dệt may có trị giá xuất khẩu là 9,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 4 tháng/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,07 tỷ USD, giảm 9,8%; thị trường EU (27 nước) tiêu thụ 942 triệu USD, tăng 12,8%...
Trong tháng 4/2021, xuất khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng đã cán mốc 3,9 triệu tấn, tăng cao tới 50,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,79 tỷ USD, tăng tới 96,3%. Trong 4 tháng qua, sắt thép các loại chủ yếu được xuất sang hai thị trường chủ lực là ASEAN đạt 1,49 triệu tấn, tăng 2,6% và Trung Quốc đạt 893 nghìn tấn, tăng mạnh tới 86% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với mặt hàng gạo, trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu tăng 7,3% về trị giá, đạt 1,07 tỷ USD với lượng xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm 6,9%. Trong đó, lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 35,6%, với 369 nghìn tấn; sang Ghana tăng 65,7%, với 210 nghìn tấn. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường dẫn đầu Philippin là 716 nghìn tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nhìn vào bảng số liệu cho thấy Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng.
Trên thực tế, giao thương với nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, việc gặp gỡ đàm phán, vận chuyển các đơn hàng gặp không ít vướng mắc khiến doanh nghiệp vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp vừa tìm kiếm đơn hàng, vừa giải quyết những vướng mắc trên để duy trì sản xuất.
Đơn cử tại nhóm hàng dệt may, một trong những ngành hàng "tỷ đô" của Việt Nam, số liệu do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cung cấp, tại thị trường EU, năm 2020 giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.
Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nêu vấn đề, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp nhận loạt đơn hàng dịch chuyển từ những thị trường có bất ổn về chính trị, thương mại. Các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn cung ngay tại nội địa hoặc ở nội khối của các nước có cam kết FTA để hưởng ưu đãi. Chính vì thế, Hiệp hội Dệt may đã và đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên liệu Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.