Có thể nói, một thập kỷ vừa qua là thời điểm tươi sáng đối với các CEO công nghệ hàng đầu của Mỹ. Bằng tài năng xuất chúng, họ đã trở thành những vị tỷ phú hàng đầu được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng vào năm 2022, câu chuyện đã thay đổi.
Meta của Mark Zuckerberg và Amazon của Jeff Bezos đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên. Elon Musk từng được tung hô là nhà sáng lập thiên tài nhưng nay lại bộc lộ cách điều hành “vô lý” tại Twitter. Elizabeth Holmes, nữ tỷ phú từng được mệnh danh là Steve Jobs phiên bản nữ đã bị kết án 11 năm tù do lừa đảo có tổ chức. Và sau đó là Sam Bankman-Fried - hắc mã tiền số một thời cũng chuẩn bị bước vào vòng lao lý.
Trong một năm đầy rẫy ác mộng của ngành công nghệ, câu hỏi quan trọng đã được đặt ra rằng ai là “ông trùm” số nhọ và gây ra “thảm họa” nhất trong năm nay?
Mark Zuckerberg
Một năm qua: Từng là cậu bé “vàng” trong làng công nghệ, ngày nay Zuckerberg được cho là không còn sáng suốt như xưa. Vào cuối năm 2021, Mark Zuckerberg tuyên bố rằng Facebook không đủ phá cách và bùng nổ, anh đã đổi công ty thành Meta và dồn toàn lực xây dựng Metaverse. Vũ trụ số này là nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số được kết hợp với nhau.
Trung tâm của Metaverse là môi trường thực tế ảo - một thế giới kỹ thuật số mà người dùng có thể “đi vào” thông qua nền tảng công nghệ (VR) Oculus của Facebook và thực tế ảo tăng cường (AR). Tuy nhiên một năm sau, khi nhà sáng lập Facebook vẫn đang mải mê với vũ trụ số thì doanh thu Meta đã sụt giảm nghiêm trọng.
Vào tháng 2, Meta đã làm nên lịch sử khi giá cổ phiếu giảm 230 tỷ USD chỉ trong một ngày - kỷ lục quốc gia. Vào tháng 11 vừa rồi, Zuckerberg phải nói với các nhân viên rằng anh đã đánh giá sai tình hình kinh doanh và quyết định sa thải 11.000 nhân viên. Đây là một cú sốc lớn đối với ngành công nghệ.
Tháng 2 năm nay, lượng người dùng của Facebook cũng sụt giảm nghiêm trọng. Dường như người dùng đã chuyển qua TikTok và lãng quên vị vua cũ.
Tổng kết: Mark Zuckerberg đã mất 30 tỷ USD vào tháng 2 năm nay nhưng anh vẫn còn 44,5 tỷ USD.
Mức độ “số nhọ”: 6/10
Jeff Bezos
Một năm qua: Mark Zuckerberg không phải ông chủ công nghệ duy nhất điêu đứng vì phải “chia tay” với lực lượng nhân viên đông đảo của mình. Trong năm nay, Amazon cũng đã tuyên bố sa thải 10.000 nhân viên bởi tình hình khó khăn.
Chưa hết, Jeff Bezos còn vướng phải lùm xùm và nhận nhiều chỉ trích khi không tham gia vào The Giving Pledge, chiến dịch do tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett lập ra để kêu gọi những người giàu nhất thế giới cho đi tài sản của họ vì mục đích từ thiện.
Ngay sau đó, để “chữa cháy”, vị tỷ phú này đã cam kết sẽ dùng phần lớn khối tài sản trị giá 124 tỷ USD của mình để giúp những người khốn khó.
Tổng kết : Dù cũng gặp nhiều trắc trở nhưng Jeff Bezos vẫn không rớt đài khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới cũng như danh tiếng không bị tổn hại quá nhiều.
Mức độ “số nhọ”: 4/10
Elon Musk
Một năm qua: Vào tháng 4, người đàn ông giàu nhất thế giới lúc bấy giờ Elon Musk đã đề nghị mua Twitter với giá 54,2 USD một cổ phiếu. Khi cả thế giới tưởng chừng như thương vụ sắp trót lọt thì ông lại nói rằng mình không thực sự muốn mua ứng dụng này.
Sau nhiều lần kiện tụng và tranh chấp với hội đồng quản trị Twitter, cuối cùng, Musk vẫn lên nắm quyền và biến Twitter trở thành “mớ bòng bong”. Vị tỷ phú dự định tạo ra một Twitter 2.0 nhưng chẳng ai hứng thú. Ông cũng sa thải hàng nghìn nhân viên, thậm chí là các nhân sự cấp cao và lập ra nhiều quy tắc “quái gở”. Musk yêu cầu nhân viên phải tăng ca và coi công ty là “nhà” nếu không sẽ phải nghỉ việc.
Gần đây, ông đã quyết định sẽ từ chức CEO Twitter nếu tìm được người thay thế. Không chỉ Twitter mà vị tỷ phú còn gây phẫn nộ với cách quản lý Tesla của mình.
Tổng kết: Dù là một năm thảm họa, nhiều chỉ trích nhưng Elon Musk vẫn rất bình thản và chẳng có ý định “nghiêm túc” hay thay đổi nào.
Mức độ “số nhọ” : 7/10
Parag Agrawal
Một năm qua: Vào đầu năm nay, Parag Agrawal đã có một bước ngoặt khi trở thành CEO mới của Twitter. Anh nhận được sự ủng hộ “nhất trí” của hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, dù đã làm việc lâu năm ở Twitter nhưng Agrawal vốn chỉ là giám đốc kỹ thuật. Bản thân Agrawal chưa từng điều hành một công ty nào. “Phải” lên điều hành một công ty nổi tiếng thế giới như Twitter là một điều khó khăn cho anh.
Và Musk cũng khiến cuộc đời Agrawal sang một trang mới. Mặc dù ban đầu cả hai có mối quan hệ thân thiết nhưng nó đã nhanh chóng xấu đi khi Musk có ý định mua lại nền tảng này.
Xung đột lên đỉnh điểm khi Musk hoàn thành giao dịch mua lại Twitter vào tháng 10. Vị tỷ phú ngay lập tức sa thải Agrawal.
Tổng kết: Năm 2022, cựu CEO Twitter mất việc trong sự ngỡ ngàng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, dù ra đi nhưng Agrawal vẫn kiếm được 50 triệu USD.
Mức độ “số nhọ”: 7/10
Elizabeth Holmes
Một năm qua: Năm 2022 là năm thảm họa của nữ tỷ phú Elizabeth Holmes - Steve Jobs phiên bản nữ và công ty Theranos.
Khi mới thành lập, mô hình kinh doanh của Theranos là dựa vào một thiết bị y tế có thể phát hiện và đưa ra chẩn đoán nhiều loại bệnh khác nhau chỉ từ một giọt máu.
Đến tháng 8 năm 2015, FDA điều tra Theranos và phát hiện nhiều sai phạm lớn. Máy xét nghiệm máu của Theranos không hề đưa ra kết quả chính xác. Thực chất công ty đã đánh tráo kết quả xét nghiệm máu của thiết bị truyền thống thành kết quả của mình
Sau nhiều lần xét xử, Holmes bị buộc tội và chịu trách nhiệm với sự lừa đảo của mình. Năm 2022 đặt dấu hiệu chấm hết cho người từng là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với tài sản ròng trị giá khoảng 4.5 tỷ USD. Holmes phải chịu bản án 135 tháng tù giam và 3 năm giám sát tại nhà.
Sam Bankman-Fried
Một năm qua: 2022 là thời kỳ từ thiên đường xuống vòng lao lý của thiên tài tiền số Sam Bankman-Fried. Chỉ vài tháng trước, cụ thể là tháng 5, sàn giao dịch FTX còn vượt Coinbase để trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới về thị phần. Nhưng chỉ đến tháng 11, công ty này đã sụp đổ.
Vụ gian lận biển thủ 8 tỷ USD mà cựu CEO FTX Bankman-Fried, cựu CEO Alameda Research Caroline Ellison và đồng sáng lập FTX Gary Wang thực hiện đã bị phanh phui, khiến Sam và đồng bọn đối diện với vòng lao lý. Đây được coi là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sam chính thức “ngã ngựa” và gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới ngành tiền số toàn cầu.
Tổng kết: Năm 2022 là một năm vận hạn đối với hai vị tỷ phú trẻ từng “làm mưa làm gió” tại thung lũng Silicon: Sam Bankman-Fried và Elizabeth Holmes. Cả hai đều bất phân thắng bại về trình độ, tài sản, khoản tiền biển thủ khổng lồ và cả tài năng lừa lọc hàng triệu khách hàng một cách tài tình. Sam và Holmes đã "nắm tay nhau" cùng chiến thắng trong danh sách các tỷ phú "thảm" nhất trong năm nay khi hứng chịu hàng loạt cáo buộc hình sự.
Tham khảo: The Guardian