Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Đây là lần đầu tiên từ năm 2000, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.
Theo số liệu từ các Cục thống kê của các tỉnh, thành phố, một số địa phương ghi nhận mức tăng trưởng cao về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 9 tháng đầu năm nay, bao gồm: Hải Phòng (12,28%), Quảng Ninh, (8,6%), Hòa Bình (8,3%), Thanh Hóa (8,06%),...
Cụ thể, GRDP 9 tháng đầu năm của Hải Phòng tăng 12,28% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 11,39% của 9 tháng năm 2020. Trong đó, mức tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 19,9%, thuộc top đầu của cả nước.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng 9 tháng đầu năm cũng tăng 19,98% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu bán lẻ cũng tăng trưởng 7,49%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI tăng 0,9%).
Tại Quảng Ninh, nhờ việc kiểm soát được tình hình dịch bệnh, duy trì vùng xanh an toàn và phát triển kinh tế-xã hội, GRDP trong 9 tháng đầu năm đạt 8,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 14,8 điểm % kịch bản, đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp.
Theo đó, mức tăng một số chỉ số kinh tế trong 9 tháng đầu năm của Quảng Ninh như sau: chỉ số IIP (10,58%), tổng doanh thu bán lẻ (4%), chỉ số CPI (1,8%).
Tại Thanh Hóa, GRDP 9 tháng đầu năm ước tính tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức tăng của các khu vực cụ thể là: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (4,43%); ngành công nghiệp, xây dựng (14,23%) (riêng công nghiệp tăng 15,91%); các ngành dịch vụ (2,74%).
Tại các tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 9 tháng đầu năm đều ghi nhận ở mức cao vượt bậc so vưới IIP của cả nước (4,45%). Cụ thể, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh đều ghi nhận mức tăng trưởng IIP trên 10% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ tại các địa phương có mức chênh lệch khác nhau, chủ yếu ảnh hưởng bởi tình hình dịch trong nhiều tháng vừa qua. Cụ thể, một số tỉnh vẫn ghi nhận mức doanh thu bán lẻ tăng cao như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng. Song, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ghi nhận mức âm do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh cũng như tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể, CPI được giữ ở mức ổn định tại nhiều tỉnh thành như Hải Phòng (tăng 0,9%), Bắc Ninh (tăng 0,83%), Thái Nguyên (tăng 0,83%),...