Trong vài năm trở lại đây, Châu Á trỗi dậy như một trong những khu vực hàng đầu trong lĩnh vực fintech với doanh thu mảng này cao nhất toàn cầu, theo dữ liệu từ Statista . Trong đó, Việt Nam là một thị trường fintech mới nổi đầy hấp dẫn trong bối cảnh sự đón nhận của người dùng ngày càng cao và hoạt động đầu tư mạo hiểm (VC) được duy trì.
Số lượng công ty fintech mới đã tăng hơn 180% từ năm 2018 đến năm 2022. Năm 2021, nguồn vốn cho fintech đạt 720 triệu USD, đưa fintech trở thành một trong những phân khúc công nghệ lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn một nửa tổng số vốn đầu tư mạo hiểm được bảo đảm.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được ưu tiên năm 2022, tăng 85% về khối lượng giao dịch và 31% về giá trị giao dịch. Các giao dịch thẻ chip thông qua Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tăng gần gấp ba.
Trong bối cảnh này, nhiều startup fintech đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư có uy tín. Thu thập dữ liệu từ Tech in Asia, CB Insights và Dealroom, trang thông tin Fintech News mới đây công bố danh sách 5 startup fintech gọi vốn thành công nhất tại Việt Nam.
VNLife – 550 triệu USD
Được thành lập vào năm 2007 với trụ sở đặt tại Hà Nội, VNLife là công ty mẹ của VNPay.
Là công ty thanh toán số hàng đầu Việt Nam, VNPay hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông vào 20.000 doanh nghiệp. Các sản phẩm của công ty này bao gồm VNPay-POS, bộ giải pháp thanh toán “all-in-one” cho các nhà bán hàng, và VNPay-QR, giải pháp thanh toán bằng mã QR được tích hợp trong hơn 30 ứng dụng ngân hàng di động và các ví điện tử.
Điều hành một hệ sinh thái từ dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính, đến các trang web thương mại điện tử và dịch vụ đặt vé máy bay, đến tháng 2/2023, VNLife đã kêu gọi được tổng cộng 550 triệu USD.
Con số này bao gồm khoản đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và quỹ đầu tư chính phủ Singapore GIC vào năm 2019, cùng với đó là một vòng đầu tư Series B giá trị 250 triệu USD vào năm 2021.
M_Service – 434 triệu USD
Cũng ra đời năm 2007, M_Service là đơn vị vận hành ví điện tử MoMo với các chức năng như thanh toán số, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn…
M_Service là một trong những công ty fintech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam và đang đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng. Tính đến tháng 6/2022, MoMo cho biết đang có hơn 31 triệu người dùng, 50.000 đối tác trong nước, 140.000 điểm chấp nhận thanh toán cùng với đó là mối quan hệ với hơn 70 ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ quốc tế.
Theo CB Insights và Dealroom, M_Service đã huy động thành công 434 triệu USD và hiện đang được định giá ở mức 2,27 tỷ USD. Mizuho Bank và Warburg Pincus là hai trong số các nhà đầu tư vào ứng dụng này.
Sky Mavis – 311 triệu USD
Được thành lập vào năm 2018, Sky Mavis là nhà phát hành game blockchain với tựa game nổi tiếng nhất là Axie Infintity. Mỗi Axie trong Axie Infinity là một token không thể thay thế (NFT) do người chơi sở hữu.
Axie Infinity hiện là một trong những game blockchain có doanh thu cao nhất. Hồi tháng 2/2022, giá trị các NFT trong Axie Infinity chạm mốc giao dịch tới 4 tỷ USD. Trò chơi này cũng có 2,7 triệu người chơi hoạt động mỗi tháng.
Sky Mavis từng nhận được 150 triệu USD trong vòng Series C diễn ra vào tháng 4/2022, nâng tổng số vốn kêu gọi thành công lên mốc 311 triệu USD, theo dữ liệu của Dealroom và CB Insights. Định giá hiện tại của Sky Mavis được cho là 3 tỷ USD.
Trusting Social – 214 triệu USD
Được thành lập vào năm 2013, Trusting Social cung cấp các giải pháp đánh giá rủi ro tín nhiệm, định danh và thâu tóm người dùng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Kết hợp công nghệ dữ liệu lớn với các dữ liệu di động, web và mạng xã hội, Trusting Social cho phép các đơn vị cho vay tại các thị trường mới nổi có thể tiếp cận được nhóm khách hàng vốn chưa tiếp cận được các dịch vụ tín dụng truyền thống.
Có trụ sở chính tại Singapore và hoạt động trên khắp Việt Nam, Indonesia, Philippines và Ấn Độ, Trusting Social tự khẳng định mình là nhà cung cấp hồ sơ rủi ro tín dụng lớn nhất Châu Á, phục vụ hơn 1 tỷ người dùng thông qua hợp tác với hơn 170 định chế tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ bao gồm CIMB, Sacombank, UOB, UnionBank và Grab.
Trusting Social đã gọi vốn thành công 214 triệu USD từ các quỹ đầu tư có tiếng như Sequoia Capital, 500 Startups, Kima Ventures và Genesis Alternative Ventures. Mới nhất là tháng 3/2023, Masan Group cho biết sẽ đầu tư tới 105 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần Trusting Social.
Be Group – “Hàng trăm triệu USD”, không xác định
Thành lập vào năm 2018, Be Group là công ty đứng sau nền tảng đa dịch vụ Be.
Be đã cùng với VPBank ra mắt ứng dụng ngân hàng số Cake vào năm 2021. Cake cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tương tự như ngân hàng truyền thống, bao gồm dịch vụ chuyển tiền, tài khoản tiết kiệm và thẻ thanh toán. Cake cam kết công nghệ eKYC sáng tạo của họ có thể cho phép người dùng ký hợp đồng số và mở tài khoản trong chỉ 2 phút mà không cần tới quầy giao dịch.
Be Group khẳng định ứng dụng của họ đã được cài trên 20 triệu thiết bị di động với hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến nửa đầu năm 2022.
Tháng 12/2018, Be cho biết đã gọi được khoản vốn đầu tư trị giá “vài trăm triệu USD”. Một nguồn tin tiết lộ với DealStreetAsia rằng Be đang muốn kêu gọi ít nhất 100 triệu USD trong vòng gọi vốn mới.