Văn bản số 348/TB-SXD (QLN) ghi rõ, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, hạn chế những tranh chấp, khiếu kiện giữa chung đầu tư và ban quản trị nhà chung cư, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP đề nghị ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao đẩy đủ kinh phí bảo trì cho ban quản trị.
Theo đó, 9 công trình có dấu hiệu "chây ỳ" quỹ 2%, gồm:
1. Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) - chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư CT1 khu nhà ở Trung Văn - phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
2. Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1 là chủ đầu tư nhà chung cư CT5AB khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông.
3. Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà - chủ đầu tư cụm nhà chung cư Bắc Hà C14, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
4. Công ty Cổ Phần Cơ khí xây dựng số 18 (COMBA 18), chủ đầu tư nhà chung cư Westa, phường Mộ Lao, quận Hà Đông.
5. Liên danh Công ty Cổ phần ĐT Kinh doanh và phát triển Hạ tầng Phúc Hà - Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi), chủ đầu tư dự án chung cư Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông.
6. Công ty Cổ phần xây dựng số 1 sông Hồng, chủ đầu tư dự án Nhà chung cư CT3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
7. Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01, chủ đầu tư dự án chung cư Hemisco, phường Phúc La, quận Hà Đông.
8. Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex, chủ đầu tư Tòa tháp C1 - VC2 Golden Silk khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Được biết, năm 2018 Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND Thành phố đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Nhưng đến thời điểm này, các chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của Bộ Xây dựng trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Chủ đầu tư chây ì quỹ bảo trì có thể bị khởi tố
Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho Ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư.Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, các luật sư cũng khẳng định, đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự. Người dân phải làm đơn lên cơ quan Công an. Công an sẽ tiến hành điều tra. Nếu như chủ đầu tư có tiền hoàn trả thì không sao, nhưng nếu như chủ đầu tư đã tiêu hết số tiền này thì rõ ràng chủ đầu tư đã phạm tội và buộc phải khởi tố hình sự.