Một trong những ví dụ điển hình là tại khu đất 122 - 124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Khu đất này vốn là trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco. Neway là doanh nghiệp Nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP.Hà Nội.
Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway nằm trong danh mục sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Ô đất 122 – 124 đường Xuân Thủy có diện tích 38.545m2, vì vậy, nhiều người đã hy vọng, khi Neway di dời, khu đất này sẽ được làm các công trình công cộng theo đúng chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, khu đất này hiện biến thành dự án Mipec Rubik 360 có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 976 căn hộ và 9 căn biệt thự liền kề.
Được biết, tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: Mipec Rubik 360) được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư. Ngày 29/3/2019, dự án chính thức động thổ. Hiện dự án đang mở bán hai toà chung cư, nhiều căn hộ ở đây đã có chủ với mức giá từ 42 - 50 triệu đồng/m2.
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy thành lập năm 2016, có trụ sở ngay tại dự án là số 122, 124 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội do ông Đào Ngọc Thạch làm người đại diện pháp luật. Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy là 500 tỷ đồng và được góp bởi 3 cổ đông, gồm: Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân đội (Mipec), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Công ty Cổ phần Hoa Cương. Trong đó, Mipec là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 51% cổ phần, Transerco nắm 28% cổ phần và Công ty Cổ phần Hoa Cương nắm 21% còn lại.
Điều đáng nói, việc di dời nhà máy theo chủ trương chung là nhằm giảm mật độ dân số, giao thông và ô nhiêm môi trường. Nhưng việc xí nghiệp biến thành cao ốc, khu dân cư rõ ràng đi ngược với chủ trương này. Trong khi đó, khu vực Xuân Thuỷ, Cầu Giấy hiện là khu vực có mật độ dân số cao, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway sau khi cổ phần hóa biến thành dự án Mipec Rubik 360 có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 976 căn hộ và 9 căn biệt thự liền kề.
Ngoài ô đất 122 – 124 đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) hàng loạt khu đất vàng khác sau khi di dời nhà máy cũng biến thành căn hộ chung cư. Có thể kể đến như tại Thanh Xuân – thủ phủ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ, chỉ trên con đường Nguyễn Tuân dài 1km đã có đến 3 dự án cao ốc mọc trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy. Việc dồn dập cao ốc trên cùng một khu vực gây hệ lụy nặng nề lên hạ tầng và môi trường.
Đơn cử, dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Đây vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Ngay gần đó, tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi cũng đang được xây dựng. Được biết, khu đất 3,7 ha này trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng. Vốn dĩ khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội ký quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Cũng nằm ngay trên trục đường Nguyễn Tuân, trên khu đất 2,2ha sau khi bị thu hồi Công ty cổ phần dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID, một công ty do chính công ty dệt Mùa Đông sáng lập, để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.
Ngoài quận Thanh Xuân tình trạng sử dụng đất công nghiệp sau di dời cũng đã xảy ra ở các quận khác. Dự án Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai là một ví dụ điển hình tại quận Hai Bà Trưng. Dự án bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên 13.500 m2 đất sau di dời của Công ty cổ phần May Thăng Long. Có thể nói, đây là một dự án tai tiếng một thời bởi chủ đầu tư là Công ty May Thăng Long đã xây dựng thêm nhiều công trình vi phạm, bị cưỡng chế dỡ bỏ.
Lâu nay, việc thâu tóm đất vàng công nghiệp sau khi di dời để xây chung cư gây bức xúc trong dư luận. Đất vàng sau khi di dời nhà máy thành cao ốc sẽ gây áp lực nặng nề lên hạ tầng, môi trường, đặc biệt là tình trạng ách tắc giao thông sẽ có nguy cơ xảy ra thường xuyên, hệ thống xả thải cũng phải gánh chịu áp lực rất lớn.
Chính vì vậy, quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, thực tế là hậu di dời, nhiều khu chung cư cao tầng đã được xây dựng hoành tráng, rất hiếm các công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng.