Mùa báo cáo tài chính quý 3 đang diễn ra cho thấy một số cái tên quen thuộc chưa thể thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ. Đà thua lỗ vốn đã hình thành từ khoảng thời gian trước đó, đến nay tác động tiêu cực của làn sóng dịch bệnh càng làm những doanh nghiệp này tiếp tục chìm trong khó khăn, thậm chí đã xuất hiện việc âm vốn chủ sở hữu.
Trong ngành vận tải biển, dù cho các doanh nghiệp đang tích cực tái cơ cấu, nắm bắt cơ hội cước phí vận tải biển tăng "nóng" để nhanh chóng kinh doanh có lãi, thì Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS) lại tiếp tục ghi nhận lỗ gần 32 tỷ đồng trong quý 3, qua đó nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2021 lên đến 111 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, điểm tích cực có thể chỉ ra là khoản lỗ 9 tháng đầu năm 2021 đã giảm gần 70 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/9/2021, Vận tải biển Phương Đông đã lỗ lũy kế tới 4.521 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 4.262 tỷ đồng.
Cùng chung lĩnh vực vận chuyển, doanh nghiệp taxi truyền thống - CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) cũng đã có quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp trước áp lực liên tiếp từ cạnh tranh của đối thủ công nghệ và ảnh hưởng bởi COVID-19. Cụ thể, mức lỗ trong quý 3 vừa qua là hơn 90 tỷ đồng, lỗ sau 9 tháng đầu năm ghi nhận hơn 185 tỷ đồng - cao hơn 2 lần "kế hoạch lỗ" của năm.
Một số doanh nghiệp chưa thể thoát lỗ trong ngành hạ tầng, sản xuất hay khách sạn, casino... Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh Casino duy nhất trên sàn là CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) tiếp tục có quý 3 kinh doanh ảm đạm. Doanh thu giảm cộng với việc kinh doanh dưới giá vốn khiến chủ sở hữu Casino Royal Hạ Long báo lỗ hơn 25 tỷ đồng trong quý 3, nâng lỗ 9 tháng lên gần 70 tỷ đồng.
Như vậy, lỗ lũy kế của công ty tới thời điểm 30/9 lên 380 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh chính của RIC cũng âm 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, con số 11 là số quý báo lỗ liên tiếp của CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT). Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến lưu lượng xe giảm đáng kể do đó doanh thu giảm mạnh. Thêm vào đó, gánh nặng trả lãi vay khiến BOT lỗ tiếp 23,8 tỷ đồng trong quý 3, hầu như không thay đổi so với số lỗ 24 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3 năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm 2021 BOT Cầu Thái Hà lỗ 74,7 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với số lỗ 70,5 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm ngoái. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2021 đã lên đến gần 268 tỷ đồng.
Hay tại Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), doanh nghiệp này đã báo lỗ hơn 25 tỷ đồng trong quý 3, đây là quý lỗ thứ 6 liên tiếp. Tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2021 lên 69 tỷ đồng – cao hơn gần gấp đối so với số lỗ hơn 43 tỷ đồng gánh chịu trong 9 tháng đầu năm 2020.
Như vậy, NCS đã thực hiện tới hơn 87% "kế hoạch lỗ" trong năm 2021. Tính đến ngày 30/9/2021, NCS lỗ lũy kế 95 tỷ đồng.
'Huyền thoại'' một thời Vodka Hà Nội - CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã: HNR) vẫn chìm trong thua lỗ triền miên và chưa có dấu hiệu hồi phục. Giải trình về kết quả thua lỗ trong quý 3 vừa qua, ban lãnh đạo Halico cho biết, ảnh hưởng thời tiết đến thói quen sử dụng rượu bia của miền Bắc Việt Nam, vào mùa đông và mùa xuân trời lạnh, sản lượng tiêu thụ rượu nói chung sẽ tăng hơn mùa hè và mùa thu.
Theo đó, quý 3 ghi nhận lỗ hơn 4 tỷ đồng, cải thiện hơn so với quý 3 năm ngoái khi lỗ 5,5 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp lỗ gần 18 tỷ đồng, vẫn thấp hơn số lỗ 21 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020. Tính đến 30/9/2021 Halico đã lỗ lũy kế hơn 462 tỷ đồng.
Tương tự, doanh nghiệp khác trong ngành khai khoáng là Khoáng sản Bắc Kạn (mã: BKC) có quý thứ 7 liên tiếp ghi nhận lỗ. Cơn sốt giá nguyên vật liệu tăng khiến chi phí đầu vào của BKC chịu áp lực lớn, do đó mặc dù doanh thu có sự cải thiện, song lợi nhuận ròng quý 3 âm tới gần 10,5 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với số lỗ của quý 3/2020.