Mới đây, Bộ KH&ĐT đã công bố dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2017.
Theo đó, đến hết năm 2017, mới chỉ có 265/622 DN (chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin trên cổng thông tin DN.
Trong số khoảng 357 DN chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Điểm mặt, có các “ông lớn” không chịu công bố thông tin như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, các DN thuộc Bộ VH-TT&DL…
Ngoài ra, một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng chưa thực hiện công bố thông tin.
Theo Bộ KH&ĐT, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, là một trong các "ông lớn" chưa thực hiện công bố thông tin DN theo quy định tại Nghị định 81/2015 của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định số 81/2015 thì “Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải có chuyên mục riêng về công bố thông tin của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm đăng tải công bố thông tin của doanh nghiệp đúng thời gian, bảo đảm các thông tin công bố được tiếp cận dễ dàng và thuận tiện”.
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, tính đến 31-12-2017, mới có 6/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 8/63 tỉnh, TP thuộc trung ương… có chuyên mục riêng về công bố thông tin. Như vậy, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin.
Mặt khác, trong số chín loại báo cáo phải thực hiện công bố thông tin thì đa số 265 DN đã công bố thông tin chưa công bố đầy đủ. Trung bình mỗi DN chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo.
Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DN lớn thuộc các bộ, địa phương, tính đến hết năm 2017, cũng chỉ có 55/77 DN đã thực hiện công bố thông tin theo quy định nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn.
Đánh giá về chất lượng công bố thông tin của một số tập đoàn kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng: Các báo cáo về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2017 của các tập đoàn kinh tế là tương đối đầy đủ.
Tuy vậy, báo cáo tài chính 2016 thì chưa đủ cơ sở để Bộ KH&ĐT đánh giá về tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế này.
Nhận định rằng việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN được dư luận rất quan tâm, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hạn chế được thất thoát, lãng phí, tham ô… nhưng Bộ KH&ĐT cho hay: Tỉ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin còn rất thấp.
“Phần lớn các DN thuộc đối tượng công bố thông tin chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công bố thông tin, chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin…”, dự thảo báo cáo cho hay.
Từ đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện xây dựng chuyên mục và công bố thông tin của doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện nội dung này và gửi kết quả về Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Về xử lý trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, khiển trách viên chức quản lý DN; xử phạt các DN không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 50/2016. Đồng thời yêu cầu các DN hoàn thiện việc công bố thông tin theo đúng quy định.
Cuối cùng, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng cho phép công khai tình hình thực hiện công bố các thông tin nêu trên để thúc đẩy và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, của các DNNN và DN có vốn nhà nước.