Thị trường chứng khoán vừa trải qua những phiên "khai xuân" với khá nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy có đan xen những phiên điều chỉnh nhẹ, nhưng nhìn chung thị trường vẫn trong xu hướng khá tích cực khi vượt qua mốc 1.500 điểm để chinh phục những đỉnh cao mới.
Song hành với đà thăng hoa của thị trường, hàng loạt cổ phiếu cũng tăng tốc từ 20-60% chỉ sau tuần giao dịch đầu năm. Đối với những nhà đầu tư "mở bát đầu năm" xuống tiền với những cổ phiếu này trong phiên 4/1 cũng đã thu được khoản lợi nhuận đáng kể khi cổ phiếu về tài khoản.
Thống kê trên sàn HOSE, 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất sau 4 phiên giao dịch đều có mức tăng 22%. Một trong những cái tên đáng chú ý là cổ phiếu BAF của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam khi mới lên sàn từ đầu tháng 12 đã có màn tăng giá khá tích cực. BAF bứt phá mạnh mẽ trong những phiên giao dịch đầu năm với 5 phiên liên tiếp tím trần lên mốc 53.700 đồng, thanh khoản trung bình tăng đột biến lên gần 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Nếu so với thời điểm mới lên sàn cách đây 1 tháng trước, cổ phiếu này đã tăng 124% giá trị.
Một cổ phiếu bất động sản cũng gây chú ý với 4 phiên tăng trần liên tiếp là QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Không kém cạnh trong cuộc đua tăng nóng của cổ phiếu bất động sản, QCG cũng bứt tốc gấp 3 lần từ mốc 6.600 đồng hồi đầu tháng 10/2021 lên 20.350 đồng/cổ phiếu. Giới đầu tư cho rằng, vụ đấu giá đất kỷ lục ở Thủ Thiêm đã đẩy thị trường địa ốc sôi động và dòng tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu bất động sản để "lướt sóng" khiến hàng loạt mã như QCG, CEO, DIG, LCG, CII,...bật tăng mạnh mẽ.
Trên sàn HNX, hàng loạt cổ phiếu cũng đồng loạt "khởi nghĩa" trong những phiên đầu năm với mức tăng từ 19%-33%. Dẫn đầu trong top cổ phiếu tăng mạnh nhất là L14 của Công ty cổ phần Licogi 14. Tính riêng tuần giao dịch đầu năm, L14 đã tăng 92.200 đồng lên mức 371.200/cp (phiên 7/1), tương ứng mức tăng 33%. Nói về L14, cổ phiếu này từng được xem là "hiện tượng lạ" khi tăng phi mã từ giá xấp xỉ 50.000 đồng vào hồi tháng 1/2021 lên mức giá như hiện tại để trở thành mã có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Đưa ra nhận định về L14, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá kém khả quan, rủi ro đầu tư cổ phiếu L14 đến từ việc năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn.
Lọt top những cổ phiếu tăng giá mạnh đầu năm, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O cũng gây bão với màn tăng giá chóng mặt. Từ mức giá xấp xỉ 10.000 đồng vào hồi đầu năm, CEO phi một mạch gấp 9 lần lên mốc 92.500 đồng/cp (phiên 7/1). Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu CEO vào phiên 4/1 với mục đích "lướt sóng" cũng ghi nhận mức sinh lời 19% khi bán ra trong phiên T+3.
Trong khi cổ phiếu "nổi sóng" trên thị trường, tình hình kinh doanh của CEO lại kém sáng khi thua lỗ triền miên, dòng tiền kinh doanh trong kỳ âm nặng. Giới đầu tư cho rằng, đà tăng "bốc đầu" của CEO đến từ những kỳ vọng về quỹ đất lớn lên đến 962.1 ha chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha). Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SBS đánh giá cổ phiếu này có mức độ rủi ro cao khi thị giá đang bị ảnh hưởng quá mức bởi dòng tiền đầu cơ. Bởi, tuy sở hữu nhiều dự án tại những vị trí đắc địa, song quy mô vốn còn hạn chế nên khả năng triển khai dự án hạn chế.
Sàn UPCoM có biên độ rộng nên cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 49%-60%. Tuy nhiên, những cổ phiếu này hầu như không có tên tuổi, thanh khoản thấp hoặc thậm chí không có giao dịch nên gần như không có nhiều giá trị đối với nhà đầu tư.