Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 được đánh giá gây nhiều tác động tới nền kinh tế Trung Quốc. Ngay cả khi công nhân đi làm trở lại, họ vẫn phải chịu những sự kiểm soát nghiêm ngặt để tránh virus lây lan. Các biện pháp này không chỉ hạn chế khả năng sản xuất của các nhà máy mà còn khiến các hoạt động kinh doanh gặp trở ngại.
Nhà hàng, bán lẻ và giải trí
Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, ngành nhà hàng của Trung Quốc sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh số trong quý đầu tiên của năm 2020. Thậm chí, sự sụt giảm có thể lên tới 45 đến 55% doanh số của các nhà hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc virus corona bùng nổ vào đúng dịp nghỉ Tết cổ truyền của người Trung Quốc khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng. Lo sợ virus lây lan mạnh mẽ giữa người với người khiến nhiều nhà hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục nghỉ tết dù chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng Giêng. Số nhà hàng khác mở cửa cũng rơi vào tình trạng vắng người.
Không chỉ các nhà hàng, nhiều sòng bài nổi tiếng ở Macao cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm tương tự. Thậm chí, một số sòng bài ở Macao đã buộc phải đóng cửa, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, các nguồn thu khác như thuế cũng bị ảnh hưởng.
Ngành bán lẻ và giải trí cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tâm lý sợ đám đông trong mùa dịch bệnh khiến khung cảnh hoang vắng có thể được nhìn thấy ở các thành phố lớn của quốc gia hơn 1 tỷ dân.
Du lịch
Theo S&P Global, doanh thu từ du lịch trong nửa đầu năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó ảnh hưởng chung tới con số của cả năm. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 3, S&P Global vẫn tin rằng tình hình này không có gì khả quan hơn.
Dịch bệnh bùng lên trong dịp tết Nguyên đán, mùa du lịch ở Trung Quốc, tiếp tục khiến thiệt hại nặng nề hơn. Trong năm 2019, du lịch ngày tết đóng góp tới 16% tổng doanh thu ngành du lịch nước ngày trong cả năm.
"Ngành du lịch hứng chịu những tổn thương rõ rệt trong đợt bùng phát dịch bệnh này cũng như để lộ những điểm yếu trong cấu trúc du lịch nội địa của Trung Quốc. Hầu hết các địa điểm du lịch, chẳng hạn như khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công viên giải trí, đều đã bị đóng cửa tạm thời", báo cáo của S&P Global cho biết.
Bất động sản
So với dịch SARS, bùng lên trong năm 2002-2003, Covid-19 được cho gây những tác động nghiêm trọng hơn với lĩnh vực bất động sản. Theo S&P Global, tăng trưởng doanh số tại các thành phố loại 3 và loại 4 ở Trung Quốc sẽ không thể được phục hồi trong năm nay.
"Điều này bắt nguồn từ sự gián đoạn bất thường trong nhu cầu của những lao động nhập cư, người thường có xu hướng về quê trong dịp Tết và dành tiền họ kiếm được đầu tư vào bất động sản", S&P Global cho biết và chỉ ra những tác động không "thể coi thường" đối với loại hình bất động sản như trung tâm thương mại, các tòa nhà văn phòng….
Cụ thể, ngay cả khi dịch bệnh đi qua, sẽ mất nhiều thời gian để các trung tâm thương mại có thể thu hút lượng khách đông đảo như trước khi dịch bùng nổ. Quan trọng hơn, dịch bệnh cũng khiến các công ty Trung Quốc chuyển dịch quy mô lớn sang bán hàng trực tuyến, tăng thêm lực đẩy cho thương mại điện tử nhưng lại là trở lực với lĩnh vực truyền thống.
Theo Morgan Stanley, trên 50 thành phố của Trung Quốc đã ngừng bán bất động sản hoặc ít nhất là đình chỉ các hoạt động tiếp thị hoặc dừng xây dựng.
Giải trí
Các rạp chiếu phim đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự và doanh thu phòng vé chịu tổn thất nặng nề trong dịp tết. Cả năm 2020 sẽ không đủ để các rạp chiếu phim kéo lại doanh thu đã mất, nhất là khi không ai biết dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào thời điểm nào.
Dịch bệnh bùng lên trong mùa cao điểm nhất, 7 bộ phim được dự kiến công chiếu trong dịp tết đã bị hoãn lại, dẫn tới sự sụt giảm 1,4 tỷ tệ doanh thu phòng vé, tương đương 210 triệu USD. Hầu hết các rạp đều đã đóng cửa suốt 2 tuần qua.
Thương mại điện tử
Trong khi người Trung Quốc chọn thương mại điện tử nhiều hơn là đi ra ngoài mua sắp, các doanh nghiệp này gặp một khó khăn khác. Theo Morgan Stanley, sự gián đoạn hậu cần ảnh hưởng nặng nề tới việc giao hàng. Trong tương lai gần, điều này sẽ chưa được giải quyết, nhất là khi dịch bệnh vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Trên khắp Trung Quốc, việc kiểm dịch đang được tiến hành nghiêm ngặt, dẫn tới các hoạt động vận tải hàng hóa bị đình trị. Tuần trước, Alibaba cảnh báo sự gián đoạn do corona gây ra có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 3 của doanh nghiệp này.
CEO Alibaba thì cho biết sự chậm trễ trở lại làm việc của các nhân viên vì dịch bệnh ngăn công ty hoạt động bình thường. Việc tiếp cận người bán và các hoạt động hậu cần chịu tác động nặng nề nhất.