Toàn bộ tài sản KCHTĐS gồm 15 tuyến đường sắt có tổng chiều dài là 3.143 km (kèm thiết bị) và 297 nhà ga, khu ga với tổng diện tích đất khu ga là 9.400.395 m2.. Ảnh AT.
Thời gian gần đây sản lượng vận tải đường sắt liên tục sút giảm, với hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, đầu máy, toa xe cũ tiêu hao nhiên liệu, chí phí sửa chữa tăng cao khiến giá thành vận tải đường sắt khó cạnh tranh được với các loại hình phương tiện vận tải khác.
Bên cạnh đó hệ thống kho, bãi hàng phục vụ vận tải hàng hóa còn thiếu, chưa đồng bộ để tham gia chuỗi dịch vụ logistics như đường sắt các nước trong khu vực. Trong khi đó, khi được Nhà nước giao hệ thống nhà ga sân bay, cảng biển, bến xe, bến cảng…đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, tàu biển, ô-tô có những cú bứt phá ngoạm mục.
Lối thoát cho Đường sắt VN?
Khi kinh doanh vận tải đường sắt ngày 1 khó khăn, thị phần vận tải dưới 1%, khả năng cạnh tranh với hàng không, đường bộ và đường biển ngày một giảm sút thì VNR xem kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) như là biện pháp cứu cánh quan trọng để phát triển. Vì thế nội dung đề án "Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư" mà Bộ GTVT xây dựng và đang trình Thủ tướng phê duyệt là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng đối với VNR.
Tại điều 5 Nghị định 46/2018/NĐ-CP, thẩm quyền giao quản lý KCHTĐS thuộc về Thủ tướng và có 3 phương án: giao cho doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan được giao quản lý tài sản (được hiểu là Cục đường sắt), cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ trước đến nay, toàn bộ tài sản KCHTĐS gồm 15 tuyến đường sắt có tổng chiều dài là 3.143 km (kèm thiết bị) và 297 nhà ga, khu ga với tổng diện tích đất khu ga là 9.400.395 m2.. Trong đó diện tích kho ga khoảng 38.533,94 m2, bãi hàng hiện có khoảng 661.923,80 m2. Tổng công ty ĐSVN trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng theo hình thức không tính thành phần vốn tại doanh nghiệp.
Hàng năm ngân sách nhà nước sẽ cấp vốn bảo trì (khoảng 2.800-2.900 tỷ đồng) và kinh phí nâng cấp, cải tạo KCHTĐS (tùy từng năm, nhưng chỉ chiếm khoảng 2,77% trên tổng vốn đầu tư cho ngành GTVT). Trong quá trình kinh doanh KCHTĐS, Tổng công ty phải lập phương án, dự kiến thu-chi, các kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt rồi mới được thực hiện. Có rất nhiều thủ tục và cửa trình duyệt cần phải được “thông quan”, nản lòng người thực hiện.
Nên số tiền nộp ngân sách năm 2018 của hoạt động cho thuê tài sản KCHTĐS chỉ 19,3 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn tính trên tổng số diện tích đất đai, tài sản mà VNR đang quản lý. Trong khi đó đối với đường sắt Trung Quốc, Nhật Bản hàng năm doanh thu kinh doanh KCHTĐS chiếm 30-50% doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt (khoảng 4.200 tỷ đồng/năm).
Hơn 6 tháng nâng lên, đặt xuống
Ngày 21/6/2019 Bộ GTVT đã có Tờ trình số 5877/TTr-BGTVT ngày trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau khi đã nhiều lần tiếp thu, giải trình và lấy ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Nhưng mới đây tại buổi làm việc ngày 6/1/2020 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì vẫn phải yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục làm rõ các vấn đề còn tranh cãi, chưa đi đến thống nhất.
Giá thuê kho hàng 1m2 tại ga Giáp Bát chỉ 65.000 đồng/tháng, được coi là để hỗ trợ chủ hàng đi đường sắt. Ảnh AT.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay việc giao cho Tổng công ty ĐSVN quản lý, sử dụng và khai thác hệ thống đường sắt trải dài 34 tỉnh, thành là hợp lý nhất. Thực tế việc khai thác kinh doanh KCHTĐS đang hỗ trợ công tác phục vụ hành khách, chủ hàng khá nhiều để đảm bảo có tổng chi phí vận chuyển (vận tải kho-ga, thuê kho bãi, cước vận tải) có thể phần nào cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.
Nhưng khi việc đầu tư nâng cấp hệ thống nhà ga, kho, bãi, ke…đang ngày càng xuống cấp bằng nguồn NSNN rất hạn chế; việc đầu tư theo hình thức PPP lại không khả thi (do rất khó xác định được lợi ích thu được cũng như nguồn thu hoàntrả cho Nhà đầu tư như thế nào) thì làm thế nào để kinh doanh KCHTĐS có hiệu quả là điều được Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn băn khoăn.
Đề án mà Bộ GTVT xây dựng cơ chế cho thuê tài sản KCHTĐS áp dụng các hình thức cho thuê, khai thác, quyền khai thác theo quy định tại Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản KCHTĐS rất khó thực hiện. Đối tượng áp dụng trong trường hợp đơn vị quản lý tài sản là Cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp khai thác, cho thuê tài sản chứ không phải là doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS như trường hợp của VNR. Mô hình chỉ phù hợp khi Cục đường sắt là đơn vị sẽ được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng và khai thác KCHTĐS.
Mở hay thắt?
Phương án của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ tài sản KCHTĐS quốc gia do nhà nước đầu tư cho Tổng công ty ĐSVN không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được coi là “giải pháp an toàn”. Nhưng điều này sẽ khiến cho VNR không thể khai thác lợi thế thương mại của 1 số ga lớn nằm tại các thành phố, khu dân cư. Tất nhiên điều này sẽ hạn chế sự đầu tư lớn, dài hạn cho việc kinh doanh KCHTĐS của Tổng công ty ĐSVN.
Nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tham gia đề án này đã có ý kiến đánh giá “chưa có nhiều thay đổi mang tính đột phá”. Thậm chí Ủy ban Quản lý vốn lại còn mạnh dạn đề xuất: “Có tài sản giao cho doanh nghiệp tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Toàn bộ nhà ga (297 ga), kho ga, bãi hàng, toàn bộ tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát”.
Thực tế lâu nay việc quản lý tài sản, trong đó có đất đai của các doanh nghiệp nhà nước đã để lại rất nhiều bài học đắt giá, không ít người đứng đầu doanh nghiệp đã phải vào tù. Điều đó khiến cho Bộ GTVT trong quá trình soạn thảo đã không ít lần nâng lên, đặt xuống rồi vẫn quyết định chọn phương án “không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp” khi giao tài sản cho VNR.
Theo chúng tôi việc “tính hay không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp” khi giao toàn bộ tài sản KCHTĐS quốc gia do nhà nước đầu tư cho Tổng công ty ĐSVN là điểm mấu chốt của đề án. Có thể không thí điểm 10 khu ga như đề xuất của Tổng công ty ĐSVN thì Chính phủ có thể chọn lấy 1-2 ga định danh cụ thể để triển khai, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.