1. VN-Index tăng điểm
Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, nối dài chuỗi giảm điểm từ cuối tháng 5, thị trường đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh và trở lại mốc 950 điểm. Chốt tuần, VN-Index giữ ở mức 958,28 điểm, tăng gần 5 điểm so với mở cửa phiên đầu tuần. Trong khi đó, HNX-Index chốt tuần ở mức 104,21 điểm, giảm nhẹ 0,1 điểm.
Tuần giao dịch vừa qua được xem là tích cực khi VN-Index trở lại với sắc xanh, tăng 3/5 phiên giao dịch, sau chuỗi phiên giảm điểm kéo dài từ ngày 21/5. Điểm nhấn trong tuần giao dịch là dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện rõ ràng hơn, tham gia đẩy giá thay vì chỉ chọn mua vùng giá thấp như trước, một tín hiệu cho thấy thị trường có thể đã tạo đáy và trên đà phục hồi trở lại.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Phiên mở cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm hơn 13 điểm, đẩy chỉ số này lùi sâu dưới ngưỡng 950 điểm, về tiệm cận ngưỡng hỗ trợ 945 điểm. Trạng thái tiêu cực được đẩy lên cao khi rủi ro phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng có thể đẩy chỉ số đại diện HoSE xuống ngưỡng 930, thậm chí lùi sâu hơn nữa. Mặc dù chỉ số giảm mạnh, song lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng, không bắt đáy bằng mọi giá.
Hai phiên sau đó, giao dịch trở lại trạng thái cân bằng hơn, bên bán cũng không quyết liệt hạ giá như trước trong khi bên mua bắt đầu nhập cuộc, dù nhịp độ vẫn còn chậm. Tới phiên cuối tuần, giao dịch được đẩy lên cao khi dòng tiền lớn nhập cuộc đẩy giá cổ phiếu tăng nhanh, VN-Index trong phiên cuối tuần tăng hơn 10 điểm, một trong những phiên hiếm hoi có sắc xanh hai chữ số.
Tâm điểm trong tuần giao dịch vừa qua đến từ nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp và dệt may. Trong khi cổ phiếu dầu khí chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới thì dòng tiền bắt đầu luân phiên sang những nhóm khác. Phiên cuối tuần MSH được đẩy lên mức giá trần với thanh khoản cao đột biến, nhiều cổ phiếu khu công nghiệp như TIC hay SZC cũng đẩy lên trần hoặc sát mức giá trần. Ở nhóm Bluechip, giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu họ Vingroup hỗ trợ đà tăng của index.
Với việc trở lại mốc 950 và tiệm cận 960, thị trường đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi. Dòng tiền nhập cuộc là điều kiện quan trọng cho việc xác định xu thế rõ ràng. Tuy nhiên, càng lên cao, lượng cổ phiếu "kẹp hàng" càng lớn.
Sau nhiều giai đoạn trồi sụt ở vùng giá thấp, tâm lý của nhà đầu tư từ kỳ vọng lợi nhuận sẽ chuyển sang làm cách nào để thoát hàng bằng giá vốn. Điều này đồng nghĩa với lượng cung cổ phiếu sẽ xuất hiện nhiều hơn. Điều quan trọng là mức độ duy trì lực cầu có đủ sức hấp thụ lượng cung đồi dào từ thị trường. Những thông tin tích cực về KQKD bán niên có thể sẽ là yếu tố giúp thị trường hưng phấn hơn, sau giai đoạn dài bị "trống thông tin".
2. Chứng khoán thế giới trở lại xu hướng tích cực
Thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng trở lại sau những phiên thua lỗ kéo dài khi có nhiều lời đồn đoán trên phố Wall rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.983 điểm (tăng 4,71%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.742 điểm (tăng 3,88%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.873 điểm (tăng 4,4%).
Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đã tăng trở lại vào đầu tuần. Các bằng chứng về sự chậm lại trong nền kinh tế Mỹ càng làm tăng thêm hy vọng cho sự thay đổi trong chính sách của Fed. Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo vào sáng thứ Sáu rằng chỉ có thêm 75.000 việc làm mới trong tháng Năm, số liệu yếu nhất kể từ tháng 2 năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,6%. Thu nhập trung bình cũng tăng ít hơn dự kiến.
Chứng khoán Châu Âu cũng tăng điểm khi các nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng về cắt giảm lãi suất khi cả Fed và ECB đều cho thấy họ có thể can thiệp nếu căng thẳng thương mại làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.331 điểm (tăng 2,37%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.045 điểm (tăng 2,72%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.364 điểm (tăng 3,02%).
Tuần qua, tin tức có ảnh hưởng nhất tới thị trường là bài phát biểu của chủ tịch Mario Draghi rằng ECB sẽ trì hoãn thời gian tăng lãi suất ít nhất sáu tháng và cung cấp các khoản tái cấp vốn dài hạn, được gọi là TLTRO, nhằm kích thích hệ thống tài chính của khu vực bằng các khoản vay giá rẻ cho ngân hàng. ECB sẽ giữ lãi suất cho đến giữa năm 2020. ECB cũng sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ có sẵn nếu sự chậm lại trong sản xuất bắt đầu ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng trở lại tích cực trong tuần, chấm dứt bốn tuần giảm điểm liên tiếp trong tháng 5. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.884 điểm (tăng 1,37%), đồng Yên cũng ổn định ở mức 108,48 yên/đô la Mỹ.
Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2019 xuống còn 0,8%, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo cho thấy rằng hoạt động kinh tế của Nhật Bản vẫn còn yếu kém, đặc biệt là về xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi việc tăng thuế giá trị gia tăng dự kiến vào tháng 10 có thể sẽ làm chậm nền kinh tế hơn nữa. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản vẫn ở mức thấp, và lĩnh vực dịch vụ có vẻ vẫn duy trì tốt. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho Nhật Bản năm 2020 không thay đổi ở mức 0,7%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm về gần với mức thấp trong bốn tháng qua khi căng thẳng thương mại với Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.827 điểm (giảm 2,45%). Trong khi đó tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.965 điểm (tăng 0,24%). Tuần qua thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã đóng cửa vào Thứ Sáu cho Lễ hội Thuyền rồng và sẽ mở cửa trở lại vào Thứ Hai, ngày 10/6. Căng thẳng diễn ra trong tuần khi Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp trả đũa đối với Mỹ để đối phó với sự leo thang thuế quan mới nhất của chính quyền Trump.
Trong khi đó, tiếp tục có thêm các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, làm tăng khả năng Bắc Kinh sẽ tung thêm các gói kích thích. Vào thứ Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 cho Trung Quốc xuống còn 6,2% so với ước tính 6,3% trước đó và dự kiến tăng trưởng 6,0% vào năm tới.