1.TTCK Việt Nam lưỡng lự trước ngưỡng 1.025 điểm
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch bình ổn khi chỉ số VN-Index vẫn đang lưỡng lự trước thềm tiệm cận ngưỡng 1.025 điểm. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 1.022,49 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 107.27 điểm.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Tâm điểm các cổ phiếu tập trung ở nhóm ngân hàng và 1 số mã cổ phiếu như GAS, HPG, PVS, PVD đều đồng loạt tăng điểm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu họ nhà Vin nhà VIC, VHM, VRE.. vẫn giữ được sắc xanh trong suốt 2 tuần qua.
Theo các chuyên gia VDSC, VN-Index tiếp tục bị cản trước mức 1028 điểm và giảm điểm sau phiên có dấu hiệu cảnh báo điều chỉnh; tuy nhiên số điểm giảm chỉ dừng lại ở mức thấp. Chỉ báo kỹ thuật MACD vẫn theo xu hướng tăng nhưng đang chậm lại, RSI tiếp tục chỉnh nhẹ.
Điều này cho thấy VN-Index vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh. Tuy nhiên, xu hướng chung của chỉ số vẫn đang tích cực nên mức độ điều chỉnh có thể thấp với vùng hỗ trợ 1020 điểm. Ngoài ra, nhịp tăng sẽ được mở rộng khi VN-Index vượt được vùng cản 1030 điểm.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 45.437 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới tiếp tục tuần tăng điểm
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 27.681 điểm (tăng 1,22%), S&P 500 đóng cửa ở 3.093 điểm (tăng 0,88%) và Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.475 điểm (tăng 1,06%).
Tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan sau khi có thông tin về tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tiến triển tích cực. Sự gia tăng mạnh về lợi suất trái phiếu dài hạn và việc tiếp tục công bố báo cáo thu nhập doanh nghiệp quý ba cũng góp phần thúc đẩy thị trường. Các phân tích cho thấy sự phân tán lợi nhuận giữa các cổ phiếu trong S&P 500 ở mức cao trong lịch sử, cho thấy rằng các yếu tố cơ bản của công ty, thay vì dòng tiền đang đóng vai trò chính trong động thái của thị trường.
Phần lớn các chỉ só chứng khoán ở châu Âu tăng tích cực khi đón nhận các tin tức lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và báo cáo thu nhập doanh nghiệp vững chắc. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.359 điểm (tăng 0,78%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.228 điểm (tăng 2,06%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.889 điểm (tăng 2,22%). Thống kê cho thấy trong quý 3, có tới hơn 50% các công ty đã đạt được lợi nhuận vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, mức cao nhất trong sáu quý vừa qua.
Thị trường Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 23.391 điểm (tăng 2,4%), trong khi đồng yên suy yếu và đóng cửa ở mức 109,15 Yên mỗi đô la Mỹ. Đồng yên yếu đi sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Mặc dù một thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ đạt được năm nay, cùng với việc cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể có tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới, nhưng dữ liệu kinh tế tại Nhật Bản vẫn chưa được cải thiện.
Theo báo cáo, chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành dịch vụ đã giảm lần đầu tiên sau khoảng ba năm. Một trong những yếu tố chính đằng sau sự suy giảm là thuế tiêu dùng tăng lên từ ngày 01/10 vừa qua.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong tuần, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý về một lộ trình cắt giảm thuế quan từng phấn đối với hàng hóa của cả 2 bên. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.964 điểm (tăng 0,2%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.651 điểm (tăng 2,03%).
Cùng với đó thị trường cũng kỳ vọng MSCI sẽ tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc trong rổ chứng khoán của các thị trường mới nổi. Kế hoạch này đã được MSCI công bố từ trước đó.