1. TTCK Việt Nam nỗ lực hồi phục
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần mở đầu với sắc đỏ nhưng vẫn nỗ lực hồi phục vào gần cuối tuần. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 991,84 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 105,26 điểm.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần hồi phục nhẹ. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hàng chung, các Bluechips như FPT, REE, VNM,VCB, MWG,…cũng đồng loạt hồi phục hơn tuần trước đó giúp đà phục hồi thị trường được củng cố. Nhóm bất động sản cùng nhóm thực phẩm đồ uống chứng kiến tuần giao dịch khá bi quan và có khá nhiều gương mặt đại diện trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực. VHM , NVL , VNM , MSN ,… là những cái tên đầu bảng kéo giảm chỉ số VN-Index
Theo các chuyên gia VDSC, với diễn biến khá tích cực tại TTCK thế giới, VN-Index cũng có sự cải thiện và hồi phục nhẹ. Kết phiên, chỉ số vẫn duy trì được nhịp hồi phục và đóng cửa tại mức cao nhất trong phiên. Chỉ báo kỹ thuật MACD hồi phục nhẹ, RSI tăng trở lại và vượt mức 50.
Điều này cho thấy yếu tố tiêu cực của VN-Index đang có sự hạ nhiệt và diễn biến có phần cải thiện hơn so với các phiên trước mặc dù chỉ số vẫn đang đối diện với nhiều áp lực bán khi tiến về gần vùng cản 995 điểm. Dự kiến VN-Index tiếp tục bị cản tại vùng 995 điểm và diễn biến lưỡng lự trong ngắn hạn.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 75.353 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới hồi phục vào cuối tuần
Báo cáo về tiến trình đàm phán thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm cao hơn trong tuần. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.816 điểm (tăng 0,91%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.057 điểm (tăng 0,94%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.970 điểm (tăng 0,61%).
Hy vọng về thỏa thuận thương mại đã thúc đẩy các ngành công nghệ, công nghiệp và vật liệu tăng điểm. Các ngành mang tính phòng thủ như dịch vụ tiện ích giảm điểm. Sự nối lại đàm phán thương mại chính thức tại Washington vào thứ năm đã gây ra một bước ngoặt lớn trên thị trường. Các nhà đầu tư cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi một tweet từ Tổng thống Donald Trump xác nhận kế hoạch gặp mặt với Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Các thị trường chứng khoán ở châu Âu tăng điểm trong bối cảnh những dấu hiệu tiến bộ mới trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.247 điểm (tăng 1,29%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.511 điểm (tăng 4,15%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.665 điểm (tăng 3,23%).
Đồng bảng Anh tăng gần 3% so với đồng đô la Mỹ, vì hy vọng của nhà đầu tư đã tăng lên về thỏa thuận Brexit sau khi thủ tướng của Vương quốc Anh và Ireland thông báo rằng họ có thể hình dung ra con đường dẫn đến một thỏa thuận. Trong khi Ủy ban châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã đồng ý đàm phán sâu hơn trong những ngày tới.
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã đóng cửa ở 21.798 điểm (tăng 1,81%) trong tuần trong khi đồng yên mạnh lên và đóng cửa gần 107 Yên/đô la Mỹ vào thứ Sáu. Trái ngược với thị trường chứng khoán, các thông tin kinh tế của Nhật Bản lại không mấy tích cực. Văn phòng Nội các báo cáo rằng các thay đổi trong môi trường kinh doanh đã làm cho tình hình xấu đi.
Một số chỉ báo kinh tế cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể đang rơi vào suy thoái. Nhật Bản, nhà xuất khẩu lớn thứ tư thế giới, rõ ràng đang phải vật lộn với sự chậm lại trong thương mại với các đối tác và thị trường xuất khẩu lớn nhất. Việc tăng thuế tiêu thụ vào đầu tháng 10 cũng có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trong tuần sau nhiều báo cáo tích cực về tiến trình đàm phán thương mại cấp cao tại Washington. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.973 điểm (tăng 2,4%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.308 điểm (tăng 1,89%).
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường vẫn hoài nghi rằng một thỏa thuận thương mại toàn diện, bao gồm việc giải quyết các yếu tố khác biệt lớn giữa hai bên về sở hữu trí tuệ và tự do hóa thị trường vẫn còn chưa đi đến thống nhất.