1. Chứng khoán Việt Nam hồi phục trước nghỉ lễ kéo dài
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đáng kể. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 979,64 điểm (+1,38%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,46 điểm, (+1,49%) so với tuần liền trước.
Trong những phiên giao dịch đầu tiên, thị trường khởi đầu với sắc đỏ bao trùm khi đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực. Áp lực bán vẫn đè nặng lên thị trường khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/4. Các chỉ số tiếp tục đà rơi bởi thiếu lực cầu đỡ và ảnh hưởng từ gánh nặng của các cổ phiếu bluechips. Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết chìm trong sắc đỏ; bên cạnh đó, các cổ phiếu có tính thị trường cao như nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán cũng giao dịch khá giằng co.
Điểm sáng trong phiên vẫn đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu tăng đột biến 2% sau khi Mỹ đưa thông báo chuẩn bị chấm dứt miễn trừ trừng phạt Iran, giúp nhóm này đồng loạt tăng điểm hơn 1% và trở thành nhóm trụ cột chính trong phiên. Mặc dù lực cầu được kích hoạt mạnh trong phiên chiều kết hợp với nỗ lực của nhóm dầu khí và các cổ phiếu bluechips VIC, VHM, SAB, PNJ, MWG, MSN, áp lực giảm điểm của VNM cùng sắc đỏ chiếm áp đảo vẫn khiến thị trường đóng cửa dưới mốc tham chiếu.
Bước vào phiên giao dịch ngày thứ Ba, thị trường diễn biến khá thận trọng trong bối cảnh mùa họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 tiếp tục diễn ra. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa ảnh hưởng trái chiều và khiến chỉ số dao động trong biên độ hẹp. Nhìn chung hoạt động giao dịch trong phiên sáng diễn ra ảm đạm, bởi thị trường chưa tìm được động lực dẫn dắt chính. Điểm nhấn chỉ tới từ phiên chiều khi nhóm cổ phiếu dầu khí với đầu tàu là GAS tăng điểm mạnh mẽ, có đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index.
Phiên giao dịch giữa tuần, thị trường mở cửa với những tín hiệu khởi sắc. Việc các cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng kéo các chỉ số khởi đầu với mức tăng ấn tượng. Giá dầu ngày 23/4 lập đỉnh 6 tháng mới trong bối cảnh các nguồn tin cho biết OPEC sẵn sàng tăng sản lượng nếu cần để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ việc Mỹ thắt chặt trừng phạt Iran. Thông tin này mang lại động lực tăng điểm cho nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là cổ phiếu GAS và BSR. Bên cạnh đó sắc xanh cũng được lan tỏa từ các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, dầu khí, bất động sản xây dựng.
Những dấu hiệu này cho thấy tâm lý nhà đầu tư có sự thay đổi so với các phiên trước đó, khi độ rộng thị trường áp đảo hoàn toàn bởi số mã tăng giá. Điểm tích cực trong phiên hôm nay là việc các chỉ số luôn giữ được ở mức tăng khá tốt và dòng tiền lan tỏa đều qua các nhóm ngành. Tuy nhiên mức độ quan tâm của dòng tiền chưa nhiều khi giá trị giao dịch qua thời gian không có sự gia tăng mạnh mẽ.
Càng về gần cuối tuần, xu hướng phục hồi lại tiếp tục sau 1 phiên điều chỉnh trước đó, cho thấy tâm lý có phần lạc quan trước kỳ nghỉ lễ. Nhịp phục hồi này vẫn chỉ là ngắn hạn, còn xu hướng tăng trung hạn vẫn chưa hình thành. Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục ở thời điểm hiện tại khi mà dòng tiền thường luân chuyển khá nhanh giữa các nhóm cổ phiếu.
2. Chứng khoán thế giới đa sắc màu
Các chỉ số chứng khoán Mỹ có mức tăng khiêm tốn trong tuần qua, với chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.543 điểm (giảm 0,06%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.146 điểm (tăng 1,85%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.939 điểm (tăng 1,17%).
Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục ở mức rất thấp mặc dù nhiều công ty lớn đã công bố báo cáo thu nhập hàng quý. Các doanh nghiệp cũng có sự tăng giảm trái chiều nhau trong kết quả kinh doanh, như Microsoft vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức vốn hóa thị trường trên 1 nghìn tỷ đô la, trong khi cổ phiếu của hãng công nghiệp 3M đã lao dốc sau khi công bố doanh số thất vọng. Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 3,2% trong quý đầu tiên của năm. Đây là con số khá ấn tượng và cao hơn dự đoán của các chuyên gia. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng vẫn ở mức đáng thất vọng 1,2%, chậm lại đáng kể từ 2,5% trong quý IV năm 2018.
Tại châu Âu cho đến nay, khoảng 26% các công ty châu Âu đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, kết quả ban đầu đã có những dấu hiệu tích cực nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn phản ứng rất thận trọng. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.428 điểm (giảm 0,42%), DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.315 điểm (tăng 0,76%) và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.569 điểm (giảm 0,2%).
Các mối lo ngại về kinh tế vĩ mô vẫn là nguyên nhân hàng đầu trong sự thận trọng của thị trường. Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua so với đồng đô la Mỹ trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế châu Âu. Các chỉ số PMI của châu Âu đã cho dấu hiệu nền kinh tế của khu vực tiếp tục suy yếu. Mặc dù có những hy vọng rằng sự phục hồi ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho eurozone, nhưng xu hướng đó vẫn chưa xuất hiện trong dữ liệu gần đây.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.258 điểm (tăng 0,8). Đồng yên đóng cửa ở mức 111,65 yên/đô la Mỹ. Ủy ban chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định không thay đổi lãi suất tại cuộc họp ngày 23 tháng 4. Đồng thời họ cũng giữ dự báo lạm phát cho tài khóa 2019 ở mức 0,9% và giảm nhẹ dự báo lạm phát năm 2020 xuống còn 1,3. Các sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản sẽ đóng cửa từ đóng cửa vào thứ Sáu, ngày 26/4, cho đến thứ ba, ngày 7/5, cho kỳ nghỉ Tuần lễ vàng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc có mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2018 trong bối cảnh lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ ngừng hỗ trợ chính sách sau khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn dự kiến trong quý đầu tiên. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.086 điểm (giảm 5,63%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.605 điểm (giảm 1,19%).
Nguyên nhân gây nên sự sụt giảm trong tuần qua là một tuyên bố từ Bộ Chính trị của Trung Quốc, đề cập đến cấu trúc nền kinh tế. Các nhà đầu tư đã xem tuyên bố này như một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ giảm hỗ trợ cho nền kinh tế và thay vào đó tập trung vào việc ngăn chặn bong bóng tài sản tiềm năng.