1. TTCK Việt Nam giao dịch ảm đạm trước kì nghỉ lễ 02/09
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch ảm đạm .Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa giảm nhẹ ở 984.06 điểm (-0,86%) và HNX-Index chốt phiên ở 102,32 điểm, (-0,9%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần hồi phục không thành công so với tuần liền kề trước đó. Ngay trong những phiên giao dịch đầu tuần, các mã cổ phiếu như VIC, VNM, VCB, MSN…đều đồng loạt giảm điểm khiến thị trường lao đao mất đi trụ đỡ. Chỉ đến những phiên gần cuối tuần, lại chính những cổ phiếu này phục hồi khiến đà giảm điểm của toàn thị trường thu hẹp đáng kể.
Theo các chuyên gia VDSC, xu hướng phục hồi ngắn hạn này còn có thể kéo dài hơn nữa, hướng tới vùng kháng cự xung quanh 990 điểm. Trong trung hạn, xu hướng vẫn là sideway phía dưới ngưỡng cản mạnh 1.000 điểm. Do đó đối với chiến lược đầu tư xu hướng, Quý nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ dấu hiệu xu hướng của VN30-Index được khẳng định
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều chưa có sự đồng thuận tích cực về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá hẹp, cũng như basis đang thu hẹp lại, tạo ra khó khăn trong các quyết định đẩy lệnh Long/Short của nhà đầu tư khi độ biến động trong phiên là không nhiều và chủ yếu có nhiều tín hiệu gây nhiễu. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 64.200 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới tích cực hồi phục ngoại trừ châu Á
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần giao dịch khả quan nhất trong gần ba tháng, khi các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc. Khối lượng giao dịch thấp vào đầu tuần nhưng đã tăng phần nào khi các nhà đầu tư tổ chức tìm cách cân bằng lại danh mục đầu tư.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.403 điểm (tăng 3,02%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.962 điểm (tăng 2,72%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.926 điểm (tăng 2,77%). Các cổ phiếu công nghiệp trong tuần qua tăng trưởng vượt trội hơn các cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và dịch vụ tiện ích bị tụt lại. Dữ liệu kinh tế trong tuần cho thấy số lượng đơn đặt hàng lâu bền đã giảm đột ngột, nhưng số liệu về sản xuất tiếp tục tăng đáng ngạc nhiên. Tăng trưởng thu nhập cá nhân trong tháng 7 thấp hơn dự kiến, nhưng chi tiêu cá nhân tăng 0,6%, tốc độ tốt nhất trong ba tháng.
Hầu hết các thị trường lớn ở châu Âu đều tăng trong suốt tuần do phấn khích vì những bước tiến trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.207 điểm (tăng 1,59%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.939 điểm (tăng giảm 2,82%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.480 điểm (tăng 2,89%).
Đồng bảng Anh chịu áp lực lớn do vấn đề Brexit vẫn khá phức tạp trong nội bộ nước Anh. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế của Đức có thêm bằng chứng cho thấy chiến tranh thương mại đang đẩy nền kinh tế Đức tiến tới suy thoái. Chỉ số môi trường kinh doanh của Viện nghiên cứu Ifo đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2012.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản ít thay đổi trong tuần, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.704 điểm (giảm 0,03%). Vào cuối ngày thứ Sáu, đồng yên đứng ở mức 106,48 yên/đô la Mỹ, ít có thay đổi trong tuần.
Theo Nikkei, các nhà đàm phán thương mại của Nhật Bản và Mỹ sẽ sớm gặp nhau tại Washington để thỏa thuận về vấn đề xuất khẩu thịt bò và ô tô vào thị trường Mỹ, nhằm đạt được thỏa thuận có hiệu lực trong năm nay. Trong khi đó Văn phòng thống kê Nhật Bản báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản đã giảm xuống 2,2% trong tháng 7, mức thấp nhất trong 27 năm. Tuy nhiên tình trạng thiếu công nhân vẫn khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản thất vọng. Việc làm trong các lĩnh vực phi sản xuất vẫn tăng trưởng kém, và lạm phát chỉ ở mức 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2,0%.
Các nhà đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc dường như ít hưng phấn trong tuần qua do những tiến triển về thương mại với Mỹ có thể không đủ tích cực như kỳ vọng. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.886 điểm (giảm 0,38%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.724 điểm (giảm 1,74%).
Hôm thứ Tư, đại diện thương mại Mỹ đã khẳng định Tổng thống Trump, có kế hoạch áp dụng mức thuế 5% bổ sung đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 và vào ngày 15 tháng 12. Mức tăng mới nhất có nghĩa là Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế 15% vào tháng 9 đối với một loạt hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm giày dép, TV màn hình phẳng và đồng hồ thông minh, tiếp theo là mức thuế 15% vào tháng 12 cho phần còn lại của danh sách bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo.