'Điểm sáng' trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Singapore

17/08/2020 17:59
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore vừa công bố một số ngành vẫn có khả năng phục hồi trong thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trong khi tổng sản lượng sản xuất giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thì các lĩnh vực như sản xuất cơ khí chính xác, điện tử và kỹ thuật y sinh lại tăng lần lượt 4,5%, 5,6% và 11%.

Với việc các dây chuyền sản xuất toàn cầu đang hoạt động trở lại, Chủ tịch TranZplus Engineering, ông Nelson Lim tin rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc trong những tháng tới.

Ông cho biết, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 - khoảng thời gian phần lớn các quốc gia trên thế giới đóng cửa nền kinh tế, các đơn đặt hàng đã giảm từ 20% đến 30%. TranZplus Engineering là công ty chuyên cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Singapore, từ đó sản xuất chip cho các hãng công nghệ.

Tuy nhiên, với việc triển khai 5G và nhu cầu ngày càng tăng đối với các trung tâm dữ liệu, ông Lim dự kiến doanh số bán hàng sẽ tăng trong những tháng tới của năm. Ông nhận định: "Hiện tại, hoạt động kinh doanh đang đi đúng hướng khi số lượng đơn đặt hàng từ một số công ty đa quốc gia đang tăng nhanh".

Ngoài ra, TranZplus Engineering cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vừa qua, ông Nelson Lim thông báo TranZplus Engineering đang trong quá trình thiết lập một trang trại trong nhà và sẽ đi vào hoạt động trong quý I của năm tới.

Các công ty như TranZplus được coi là một trong những doanh nghiệp đủ may mắn để hoạt động tốt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái do Covid-19.

Theo báo cáo kinh tế hàng quý do Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố hôm thứ 3 (11/8), một số ngành vẫn có khả năng phục hồi trong thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Trong khi tổng sản lượng sản xuất giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thì các lĩnh vực như sản xuất cơ khí chính xác, điện tử và kỹ thuật y sinh lại tăng lần lượt 4,5%, 5,6% và 11%.

Theo đó, sự tăng trưởng của ngành kỹ thuật chính xác được liên quan đến phân khúc máy móc và hệ thống, tăng 9,8% do nhu cầu tăng đối với thiết bị bán dẫn của các nhà sản xuất chip lớn

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nhóm ngành này cũng đã bị ảnh hưởng do sản lượng các mô-đun và linh kiện chính xác giảm 9,3% trong giai đoạn đại dịch, từ đó làm giảm nhu cầu cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thế giới.

Mở rộng cụm sản xuất kỹ thuật y sinh được đẩy mạnh do mức sản xuất cao hơn trong phân khúc dược phẩm. Đồng thời, sản xuất trong cụm thiết bị điện tử được thúc đẩy bởi phân khúc sản xuất chất bán dẫn do nhu cầu đối với chip từ thị trường 5G, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu tăng cao.

Trong lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán hàng khu vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu - siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi - lần lượt tăng 56% và 8%.

Ngoài ra, lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng 3,4%, do người dân vẫn mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm. Đồng thời việc áp dụng kỹ thuật số trong khu vực đã thúc đẩy sự tăng trưởng số lượng người sử dụng thẻ tín dụng.

Báo cáo cũng chỉ ra phân khúc ngân hàng vẫn đang tăng trưởng, mặc dù ở tốc độ vừa phải.

Một bằng chứng cho thấy rõ các ngành vẫn đang hoạt động tốt trong bối cảnh Covid-19 đó là những doanh nghiệp này đã từ chối gói trợ cấp của Chương trình Hỗ trợ Việc làm (Jobs Support Scheme).

Nhiều tổ chức không những trả lại gói trợ cấp mà còn quyên góp, điển hình như Ngân hàng quốc tế Barclays, Citi Singapore và Bank of America, các gã khổng lồ dược phẩm như Boehringer Ingelheim và DSM Nutritional Products.

Các nhà kinh tế cho biết sự tăng trưởng này phần lớn được thúc đẩy bởi hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu y tế của người dân trong giai đoạn dịch bệnh gia tăng.

Nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah của DBS cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp đã phải chi nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số do họ chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, từ đó tạo ra nhu cầu mới đối với thiết bị điện tử.

Ông Irvin Seah nói: "Nếu bạn muốn có nhiều nhân viên của mình làm việc tại nhà, bạn phải đảm bảo rằng họ có đủ thiết bị điện tử cần thiết để hỗ trợ họ làm việc hiệu quả tại nhà".

Ông cho biết thêm: "Sự gia tăng rất mạnh mẽ trong xuất khẩu và sản lượng y sinh vào đầu năm đã góp phần vào hiệu suất tương đối lớn trong ngành dược phẩm".

Giải thích về lý do mặc dù nền kinh tế đang suy thoái, lĩnh vực tài chính và bảo hiểm vẫn có thể đạt được tăng trưởng, ông Seah cho biết lĩnh vực này có khả năng phục hồi cao hơn, vì phần lớn các giao dịch kinh doanh được thực hiện từ xa hoặc trực tuyến.

Ông nhấn mạnh: "Do đó, sự gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính trở nên ít nghiêm trọng hơn so với các lĩnh vực khác".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã có những quan điểm trái chiều về mức độ mở rộng các lĩnh vực có thể giúp ích cho nền kinh tế và thị trường lao động nói chung.

Nhà kinh tế Song Seng Wun của Ngân hàng tư nhân CIMB cho biết những lĩnh vực này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc làm.

"Một số lĩnh vực vẫn phát triển vẫn cần nhà máy và máy móc, điều đó sẽ có tác động lan tỏa đến các khoản đầu tư mới, việc làm mới".

Ông nói thêm rằng miễn là ai đó được tuyển dụng, họ sẽ có thu nhập và họ sẽ chi tiêu. Điều này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung.

Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Ngân hàng OCBC, bà Selena Ling cho biết việc mở rộng các lĩnh vực cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm tạm thời cho người lao động dịch chuyển từ các lĩnh vực khác. 

Một số chuyên gia khác lại cho rằng phản ứng dây chuyền sẽ bị hạn chế.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Irvin Seah của DBS nói: "Ví dụ như ngành khách sạn và hàng không sẽ không được hưởng lợi từ bất kỳ hoạt động nào như đối với các cụm ngành khác".

Trong báo cáo tháng 6 vừa qua, ông cũng cho biết ngành dược phẩm là ngành ít liên quan nhất đối với các ngành khác. Do vậy, mặc dù ngành y dược tăng trưởng nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các ngành còn lại của nền kinh tế".

Mặc dù làm việc tại nhà có thể đã thúc đẩy nhu cầu mới về các thiết bị điện tử, nhưng các chuyên gia cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh tính bền vững của thị trường này.

Jeff Ng, Chiến lược gia của HL Bank cho biết, lĩnh vực sản xuất chủ yếu được định hướng xuất khẩu và một số ngành trong lĩnh vực này không đòi hỏi nhiều lao động, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ việc làm trong nước.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Singapore - Ảnh 1.

Phục hồi kinh tế không đồng đều

Trong cuộc trao đổi với CNA, các nhà kinh tế cho biết ngay cả với những điểm sáng này, nền kinh tế và thị trường lao động vẫn phải đối mặt với những thời điểm khó khăn phía trước.

Ông Irvin Seah cho biết đây sẽ là một 'sự phục hồi không đồng đều' và những nhóm công nhân sẽ đối mặt với lần phục hồi này theo các hướng rất khác nhau.

Một số ngành sản xuất nói chung, như dịch vụ tài chính, ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) sẽ hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên một số ngành vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Số liệu hàng năm cho thấy xây dựng giảm 59%, vận chuyển và lưu kho - bao gồm vận tải hàng không - giảm 39%, và lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú giảm 41%.

Nhìn chung, triển vọng kinh tế của Singapore hiện vẫn đang ảm đạm. Mặc dù một số ngành nghề đang hoạt động tốt, nhưng cũng không đủ để bù đắp lại cho các ngành nghề còn lại trên thị trường.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
23 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
40 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
27 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
7 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
15 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
14 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.