Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường chứng khoán ghi nhận áp lực bán mạnh khiến hàng loạt mã cổ phiếu chao đảo. Lực cầu không thể duy trì khiến thị trường mất đi nhiều trụ đỡ quan trọng, qua đó có một phiên giảm sâu tới gần 27 điểm. Phiên giảm điểm 12/4 đã "thổi bay" khoảng 105.687 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.765.797 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong phiên giao dịch này, một số mã cổ phiếu bluechips lại ngược dòng tăng điểm, giúp giao dịch chung bớt ảm đạm đi đôi chút.
Cụ thể, dẫn đầu trong danh sách cổ phiếu "chống đỡ" thị trường trong phiên hôm nay chính là cổ phiếu của đại gia ngành bán lẻ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) khi tăng 1,8% lên mức 152.700 đồng/cổ phiếu. Mức tăng này đã đóng góp 0,5 điểm tăng cho VN-Index. Thanh khoản ghi nhận gần 3 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên. Một trong những động lực tăng có thể xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi của ngành bán lẻ trong năm nay khi Việt Nam dần mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
Trong bức tâm thư gửi cổ đông mới đây, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài không phủ nhận "2021 là một năm thách thức không thể nào quên". Song, theo ông hiện tại thời khắc đen tối nhất có lẽ đã qua và tương lai đang ở phía trước. Sang năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 30% so với kết quả 2021.
Diễn biến cổ phiếu MWG trên thị trường
Cũng trong ngành bán lẻ là Masan Group (MSN), cổ phiếu này hôm nay ghi nhận mức tăng 1,3% lên đóng cửa tại 125.400 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này dự kiến trình Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021. Tuy nhiên mục tiêu về lợi nhuận sau thuế lại đi lùi đạt 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giàm từ 15,9% - 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông là từ 4.800 - 6.200 tỷ đồng, giảm từ 27,6% - 44%.
Động lực tăng trưởng năm 2022 của MSN có thể đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn và sức mạnh hiệp lực xây dựng nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa hệ sinh thái Point of Life.
Diễn biến cổ phiếu MSN trên thị trường
Bên cạnh hai bluechips ngành bán lẻ, bất chấp đà giảm sâu của thị trường, cổ phiếu "ông lớn" trong ngành công nghệ thông tin là Tập đoàn FPT (FPT) cũng tăng 1,2% so với phiên trước đó, đóng cửa phiên 12/4 đạt 109.800 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này vừa có chuỗi tăng điểm tích cực, đưa thị giá lên mức đỉnh lịch sử 113.300 đồng/cổ phiếu (phiên 7/4) và sau đó điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần 8/4.
Cũng trong ngày 7/4, FPT cũng vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, thông qua kế hoạch tăng trưởng bền vững với mục tiêu doanh thu tăng 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1).
Diễn biến cổ phiếu FPT trên thị trường
Đáng chú ý, trong khi những nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép... đỏ lửa, một số mã cổ phiếu ngành thủy sản bất ngờ "ngược dòng" tăng kịch trần trong phiên hôm nay. CMX, IDI, ACL đồng loạt tăng hết biên độ "trắng bên bán", VHC cũng có thời điểm chạm giá trần trước khi hạ nhiệt về mức tăng 6,9% khi kết phiên lên mức 97.800 đồng/cp. Cổ phiếu VHC cũng là một trong những "công thần" thu hẹp đôi chút đà giảm của thị trường khi góp khoảng 0,3 điểm tăng cho VN-Index.
Tại nhóm phân bón, Đạm Phú Mỹ (DPM) bứt phá 2,2% lên mức 65.200 đồng/cổ phiếu, đóng góp 0,14 điểm tăng cho chỉ số của sàn HOSE.
Còn riêng tại nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, cổ phiếu VPBank (VPB) là một những mã hiếm hoi tăng điểm trong phiên hôm nay với mức tăng 0,5% lên 39.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, trong khi nhiều cổ phiếu bất động sản hôm nay giảm hết biên độ như DIG, DPG, CII, NBB, DXG, HQC, OGC, DLG, LDG, SCR, QCG... thì KBC của Đô thị Kinh Bắc hay FCN của FECON đã ghi nhận mức tăng tốt, qua đó đóng cửa phiên giữ được sắc xanh.
Trong đó, KBC mới đây đã bị Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) nhắc nhở khi đặt lệnh bán hơn 5,9 triệu cổ phiếu quỹ cổ phiếu quỹ. Cụ thể, tại thời điểm ngày 15/3, KBC thực hiện giao dịch bán cổ phiếu quỹ theo phương thức thỏa thuận với khối lượng hơn 1 triệu cổ phiếu, vượt 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). KBC sau đó đã có văn bản giải trình, xin tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Diễn biến cổ phiếu KBC trên thị trường