Nhiệt điện Long Phú 1: Nhà thầu bị Mỹ cấm vận, dự án bế tắc
Dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có vốn đầu tư hơn 29,5 nghìn tỷ đồng và đang đề nghị tăng tổng mức đầu tư lên 41.200 tỷ đồng. Khởi công từ 2011, và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2015, tổ máy 2 vào tháng 9/2015. Tuy nhiên đến nay, dự án này đang không hẹn ngày hoàn thành.
Dự án hiện mới hoàn thành 77,56% so với kế hoạch, nguyên nhân chính xuất phát từ phía nhà thầu Power Machines (PM - Nga) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhà thầu này (PM) từ 28/1/2018.
Từ thời điểm PM bị cấm vận, công tác mua sắm hàng hóa thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt tiến triển cụ thể.
Nhiệt điện Long Phú 1 đang gặp cảnh bi đát.
“Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu PM không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC bởi các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận”, PVN cho biết. Ngoài ra, PM còn đề nghị PVN xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá và nhiều điều kiện khác không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC.
Một năm sau khi bị cấm vận, ngày 28/1/2019, nhà thầu PM đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án. PM đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường kể từ ngày 15/3/2019, rút giám đốc công trường về nước kể từ 29/3/2019.
Nhiệt điện Thái Bình 2: Đã tiêu hơn 32 nghìn tỷ, phải chờ thêm tiền
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Dự án do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu.
Báo cáo mới nhất của Ban quản lý điện lực dầu khí Thái Bình 2 (PVN) cho thấy, tính đến 30/6/2019, giá trị giải ngân từ khi khởi công của nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 32,6 nghìn tỷ đồng, đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.
Hiện dự án này vẫn thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng. Đối với phần vốn vay nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng vay đã ký là hơn 937 triệu USD và đã giải ngân được trên 610 triệu USD. Đến nay, việc gia hạn thời gian giải ngân đối với các hợp đồng vay nước ngoài chưa được Bộ Tài chính đồng ý. PVN cùng các bên cho vay đang trong quá trình xem xét, phê duyệt nội bộ để tiếp tục gia hạn giải ngân.
Nhiệt điện Thái Bình 2 cần thêm tiền để về đích. Ảnh: Lương Bằng |
Đối với phần vốn vay trong nước, các ngân hàng vẫn chưa thu xếp vốn vay cho dự án.
Trước tình hình đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Đến nay, điều này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Hơn 10 năm bất động
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Dự án đã được phê duyệt lần đầu vào năm 2008. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc bóc đất tầng phủ.
Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3. Nhưng sau đó, dự án phải dừng lại do xuất hiện bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn về tài chính bởi một số cổ đông không góp vốn đúng cam kết.
Tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh) có tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 7.739,8 tỷ đồng). Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỷ.
Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng.
Dự án đến nay vẫn án binh bất động. Ảnh: Lương Bằng |
Tuy nhiên, nhiều năm nay UBND Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng dự án, bởi nhận thấy có quá nhiều bất cập. Trong khi, Bộ Công Thương và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam vẫn muốn tiếp tục. Trước các ý kiến khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm “trọng tài”.
Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bộ KH-ĐT cho rằng với những tồn tại, vướng mắc trên thì việc Công ty sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai dự án là không khả thi, không đáp ứng được chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Hiện dự án vẫn nằm “đắp chiếu” và chờ quyết định của các cấp ở Trung ương.
Dự án muối mỏ Kali ở Lào
Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) có vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2017, dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng, đạt 22,32% kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục các nhà thầu thi công vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán. Nếu phải dừng dự án thì số tiền phải trả lớn hơn nhiều lần con số 1.429 tỷ đồng đã giải ngân vì các nhà thầu đã thi công đạt khoảng 57% khối lượng hợp đồng EPC, song Vinachem mới chỉ xem xét hồ sơ thanh quyết toán khoảng 16,25% khối lượng.
Phương án dừng dự án được đưa ra trong bối cảnh dự án không có hiệu quả về kinh tế. Tháng 9/2015, khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án, giá bán KCl tiêu chuẩn là 340 USD/tấn, KCl dạng hạt là 365 USD/tấn. Nhưng cuối năm 2016, giá KCl tại thị trường Đông Nam Á giảm sâu còn 250 USD/tấn, giá KCl tại Việt Nam còn 270 USD/tấn nên ảnh hưởng hiệu quả của dự án.
Kết quả, dự án được đánh giá là “không có hiệu quả kinh tế”.
So với 12 đại dự án yếu kém ngành Công Thương đã được chỉ ra, loạt 4 dự án kể trên còn có số vốn đầu tư lớn hơn nhiều. Chỉ tính thêm 4 đại dự án này, thì tổng mức đầu tư đã lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thực tế đã bỏ ra lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu không có quyết sách, nguy cơ các đại dự án này tiếp tục nằm đắp chiếu, lãng phí là hoàn toàn có thể xảy ra.