Giá xăng dầu trên thị trường thế giới sẽ tác động đến thị trường trong nước ở phiên điều chỉnh vào thứ 5 tuần này. Do đó, những biến động của giá dầu trên thế giới luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu toàn cầu có thể kể đến như: Yếu tố về chính trị; Nguồn cung, Sản lượng dầu tồn kho; Nhu cầu nhiên liệu của các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc;...
Trong đó, rủi ro địa chính trị được giới phân tích đánh giá, là động lực chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Tình hình căng thẳng chính trị leo thang ở Trung Đông khi Iran tuyên bố sẽ tấn công vào Israel nhằm "trả thù" vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của nhóm Hamas vào ngày 31/7 tại Tehran. Mặc dù xung đột giữa Israel và Iran luôn diễn ra âm thầm trong nhiều thập niên, nhưng do bùng nổ giữa Israel và Hamas (lực lượng do Iran hậu thuẫn) vào tháng 10 năm 2023 đã đẩy nhanh tốc độ của các cuộc giao tranh. Đỉnh điểm là vụ ám sát thủ lĩnh của nhóm Hamas vừa diễn ra.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã "tham gia vào hoạt động ngoại giao mạnh mẽ, gần như suốt ngày đêm" nhằm giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh lo ngại Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel.
"Tất cả các bên phải kiềm chế leo thang.Tất cả các bên phải thực hiện các bước để xoa dịu căng thẳng. Leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào. Nó sẽ chỉ dẫn đến nhiều xung đột hơn, nhiều bạo lực hơn, nhiều bất ổn hơn", ông Blinken phát biểu trong buổi lễ ký kết với người đồng cấp Úc tại Washington.
Căng thẳng chính trị ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, điều này dấy lên lo ngại giá xăng dầu thế giới sẽ có nhiều biến động do nguồn cung bị ảnh hưởng. Đây sẽ là động lực thúc đẩy giá dầu.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế của giá dầu thời điểm hiện tại "rất lạ". Theo đó, thị trường xăng dầu thế giới không những không tăng mà còn xoay chiều giảm trong phiên giao dịch hôm nay.
Cụ thể, thời điểm 9h04 phút giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI trên thế giới giao dịch ở mức 72,982 USD/thùng, giá dầu Brent là 76,379 USD/thùng, giảm lần lượt 0,3% và 0,13% so với phiên giao dịch hôm qua.
Tính từ 1/8, giá dầu thô thế giới ghi nhận mức giảm mạnh với mặt hàng Brent từ 80,731 USD/thùng xuống 76,379 USD/thùng ở thời điểm hiện tại.
Ghi nhận giá xăng ở một số thị trường được dự báo sẽ biến động mạnh do căng thẳng ở Trung Đông như Nhật Bản, Mỹ cũng cho thấy sự suy giảm.
Theo chuyên trang thống kê giá xăng tại Nhật Bản e-nenpi, giá xăng bán lẻ ngày 6/8 ghi nhận ở mức 162,5 Yên/lít, giảm so với cùng thời điểm này của tháng trước là 164,8 Yên/lít, thậm chí có thời điểm giảm xuống 160,8 Yên/lít (vào ngày 4/8).
Tại Mỹ, giá xăng trung bình 3,46 USD/gallon, giảm 0,01 USD so với ngày hôm qua, giảm 0,04 đô la so với tuần trước và giảm 0,05 đô la so với tháng trước. Trong khi đó, giá xăng trung bình thời điểm này của năm 2023 là 3,83 USD/gallon.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) báo cáo rằng, lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm khoảng 400.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024. Dự kiến, lượng tồn kho toàn cầu giảm đến 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm.
EIA dự kiến giá dầu sẽ đạt 85–90 USD/thùng vào cuối năm.