Trước đó, giá cà phê Robusta thường xuyên chỉ bằng 1/3 đến 1/2 cà phê Arabica. Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung của cà phê Robusta bị giảm mạnh trước tác động của biến đổi khí hậu.
“Giá cà phê Robusta tăng mạnh như thế chủ yếu là do biến động theo cung cầu. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới tất cả các loại cà phê nhưng nhiều nhất là tới cà phê nhân Robusta có sản lượng lớn tại các nước châu Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia…Sản lượng của loại cà phê này giảm mạnh đã khiến giá nhanh chóng tăng lên”, ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Hải, ngoài việc sản lượng giảm mạnh thì nhu cầu sử dụng hạt cà phê Robusta trên thế giới cũng tăng lên, khiến trên thị trường cà phê Việt Nam xảy ra hiện tượng giá Robusta tăng cao hơn Abarica - điều chưa từng xảy ra trước đây.
“Nhu cầu sử dụng cà phê Robusta của thế giới ngày càng tăng cao, điều này là do nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan tăng. Các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…những năm gần đây tiêu thụ cà phê hòa tan rất nhiều. Trong khi đó, cà phê hòa tan lại chủ yếu sử dụng nguyên liệu là hạt Robusta vì đặc điểm đậm đà hơn” , ông Hải nói.
Chủ tịch VICOFA cũng nhận định, giá cà phê Robusta tăng cao mang lại lợi ích rất lớn cho việc tiêu thụ cà phê của Việt Nam. Bởi có tới 94% diện tích trồng cà phê của Việt Nam trồng giống này. Thực tế có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm dù giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị rất lớn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sau 8 tháng đạt 1,052 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,99 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng nhưng tăng tới 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Còn trong nửa đầu tháng 9, chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vẫn là cà phê Robusta với 15.155 tấn, đơn giá bình quân 5.053 USD/tấn, mang về 76,583 triệu USD. Cà phê Arabica xuất khẩu được 1.129 tấn, giá bình quân 4.166 USD/tấn, mang về 4,705 triệu USD. Như vậy, giá cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu đã vượt giá cà phê Arabica 887 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu lần đầu được ghi nhận cao hơn giá cà phê Arabica vào tháng 5 với khoảng cách 32 USD/tấn (cà phê nhân Robusta 3.920 USD/tấn và cà phê Arabica 3.888 USD/tấn). Sau đó khoảng cách càng kéo giãn khi tốc độ tăng giá của cà phê Robusta mạnh hơn.
Các chuyên gia kinh tế lý giải, trước đây, giá cà phê Robusta chỉ duy trì trong khoảng bằng 1/3 giá cà phê Arabica. Do giá cà phê Robusta rẻ và chất lượng ngày càng cải thiện nên các nhà rang xay trên thế giới đã tăng tỷ lệ sử dụng khiến nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta lại giảm do ảnh hưởng thời tiết và nông dân chuyển đổi cây trồng sau một thời gian dài giá cà phê ở mức thấp. khiến diện tích trồng cà phê bị thu hẹp.
Thời điểm hiện nay tại Việt Nam, cà phê đang chuẩn bị bước vào niên vụ thu hoạch mới. Ông Nguyễn Nam Hải khuyến cáo người dân nên chuẩn bị thật tốt các cơ sở chế biến, phơi, sấy để đảm bảo hạt cà phê được bảo quản một cách tốt nhất nếu gặp thời tiết bất lợi. “Thông thường Việt Nam sẽ thu hoạch cà phê trong khoảng thời gian tháng 11 và 12. Nếu thời điểm này có nắng thì việc thu hoạch của bà con sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu gặp thời tiết mưa, với sản lượng thu hoạch lớn như thế, điều kiện các cơ sở phơi, sấy của chúng ta chưa đủ để đáp ứng sẽ rất nguy hiểm. Chất lượng hạt cà phê đi xuống, sản lượng xuất khẩu có thể vì thế mà giảm mạnh” , ông Hải nhấn mạnh.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 11 về mức 5.059 USD/tấn, giảm 427 USD/tấn so với mức đỉnh thiết lập tại phiên giao dịch ngày 16/9 (5.486 USD/tấn). Nguyên nhân chủ yếu do các nhà đầu tư chốt lời sau khi giá nông sản này tăng quá nhanh trong thời gian ngắn.