LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.
Diễn biến động thái leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Bất chấp việc Mỹ - Trung vừa kết thúc đàm phán tại Thượng Hải cuối tháng 7 vừa qua và sẽ tiếp tục đàm phán tại Washington vào đầu tháng 9 năm nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố trên Twitter ngày 1/8/2019 của tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và mức thuế có thể tăng lên 25% sau này.
Việc áp thuế lần này đã được Mỹ cảnh báo sẽ áp dụng nếu phía Trung Quốc trì hoãn hoặc không thực hiện các cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Như vậy, có thể nói, nếu việc áp thuế lần này được thực hiện, gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 550 tỷ USD) bị phía Mỹ áp thuế từ 10% đến 25%.
Tính đến nay, khoảng 250 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang chịu thuế suất 25%; trong đó, tư liệu sản xuất khoảng 117 tỷ USD, hàng tiêu dùng và lương thực-thực phẩm 66 tỷ USD, thiết bị công nghiệp 38 tỷ USD, phương tiện vận tải 20 tỷ USD. Việc áp thuế 10% đối với phần hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc lần này sẽ chủ yếu bao gồm hàng tiêu dùng, điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi, giày dép (danh mục hàng hóa chính thức sẽ bị áp thuế 10% này sẽ được công bố trong những ngày tới). Trung Quốc đã bày tỏ đã và sẽ sử dụng nhiều biện pháp đối phó nếu Mỹ quyết tâm áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Với nền kinh tế, chưa thể đánh giá hết tác động của động thái dự kiến áp thuế mới này đối với nền kinh tế thế giới cũng như Mỹ và Trung Quốc, nhưng chắc chắn sẽ khiến thương mại toàn cầu giảm đà tăng (từ mức 4,2% năm 2018 xuống dưới 3% năm 2019 và thấp hơn trong những năm tới).
Cùng với tác động tiêu cực đến đầu tư, gián đoạn chuỗi giá trị và nếu Trung Quốc trả đũa bằng một số công cụ khác (đánh thuế đối với một phần hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ còn lại, giảm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, tăng rào cản đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc…); GDP thế giới có thể giảm 0,5 điểm %, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5 điểm % và GDP của Trung Quốc cũng sẽ giảm khoảng 1,3 điểm % năm 2020 (theo Oxford Economics).
Theo Citibank, việc áp thuế mới này sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,7 điểm % và GDP Trung Quốc giảm 0,5 điểm % trong năm 2020. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia ngân hàng ING cho rằng Trung Quốc có thể giảm tốc đàm phán cũng như trả đũa nhằm gây tác động tiêu cực đối với khả năng đắc cử của Tổng thống D. Trump.
Theo đó, như chúng tôi đã phân tích trong Báo cáo về tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung công bố ngày 13/5/2019, xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn (thực tế kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ tăng 7,5% so với mức tăng 16,5% cùng kỳ năm 2018), với động thái căng thẳng leo thang, tình hình xuất khẩu còn khó khan hơn, chưa kể rủi ro "đội lốt", gian lận thương mại đã và đang diễn ra.
Trong khi đó, đầu tư và thị trường bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi do xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc (kể cả Hồng Kông) cũng như doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tận dụng được lợi thế này còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hấp thụ và sàng lọc đầu tư của Việt Nam.
Với diễn biến như trên, các tổ chức quốc tế lớn (như WB, IMF) dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng khá, nhưng sẽ thấp hơn so với năm 2019 (tăng 6,5-6,6% so với mức tăng 6,7,-6,8% năm 2019).
Tác động đối với thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu và Việt Nam
Với thị trường tài chính, tiền tệ; sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống D. Trump, các thị trường tài chính trên thế giới có những phản ứng tiêu cực, rõ nét nhất là các chỉ số chứng khoán lớn giảm mạnh (trên 1%), thị trường hàng hóa (bao gồm giá dầu) lao dốc trong khi vàng tăng mạnh khi các nhà đầu tư tìm kiếm công cụ phòng ngừa rủi ro.
Tại thị trường Mỹ, tính tới hết ngày 1/8 (giờ Mỹ) và 15h chiều 2/8 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 1%, các chỉ số chứng khoán tại Châu Á giảm mạnh (0,7-2,1%) (Hình 1); trong đó, nhiều cổ phiếu của các công ty thương mại và các hãng bán lẻ lớn đều giảm giá từ 2% đến 7%. Thị trường chứng khoán Việt Nam (chỉ số VNIndex) giảm nhẹ 0,6% ngày 2/8.
Biến động thị trường chứng khoán 3 ngày qua (%). Nguồn: Bloomberg
Đối với thị trường ngoại hối, chỉ số đồng Dollar (DXY) giảm khoảng 0,2%, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá 0,65% ngày 2/8, giá vàng tăng mạnh đến 2,22% ngày 1/8 và tiếp tục tăng 0,33% đến 15h00 ngày 2/8; đặc biệt giá dầu Brent giảm mạnh đến 7,17% ngày 1/8 và phục hồi trở lại (tăng 1,85%) ngày 2/8. Trong bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND về cơ bản khá ổn định (VND giảm giá nhẹ 0,1% tính đến 15h ngày 2/8).
Biến động thị trường dầu, vàng và tỷ giá hối đoái 3 ngày qua (%). Nguồn: Bloomberg
Qua phân tích diễn biến nêu trên; có thể thấy tác động của biện pháp thuế quan mà Tổng thống D. Trump tuyên bố ngày 1/8/2019 tới nền kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam ở mức thấp hơn so với các thị trường khác tại Châu Á.
Mặc dù vậy, rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại này là rất khó lường; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích, dự báo và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Cơ hội cũng có, nhưng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh; chủ động, tăng năng lực cạnh tranh và hấp thụ để hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu và tỉnh táo sàng lọc dự án, dòng vốn đầu tư, tránh hệ lụy lâu dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật, đánh giá và khuyến nghị chính sách kịp thời.