Ông Lò Văn Oai hiện là cán bộ khuyến nông của xã Thanh Chăn, có lẽ do là cán bộ khuyến nông luôn đi sâu sát, gần gũi với người nông dân, biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ chính những người nông dân mà từ đó ông Oai đã áp dụng và thay đổi cơ cấu sản xuất của gia đình mình từ làm ruộng sang mô hình trang trại vườn-ao-chuồng (VAC) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình VAC, trang trại "sơn thủy hữu tình" của cán bộ khuyến nông xã Thanh Chăn Lò Văn Oai là một trong những mô hình được đánh giá cao khi mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lò Văn Oai cũng là người đã từng đại diện cho hơn 1.000 hội viên Hội Nông dân xã Thanh Chăn về dự hội nghị nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ 2 được tổ chức tại huyện Điện Biên.
Bước vào khởi nghiệp làm kinh tế với mô hình VAC từ những năm 2008 với 1.000 m2 ao thả cá; 1,4 ha trồng rừng; 20 gốc bưởi Diễn và số ít gia cầm... Sau khoảng 6 năm ông Oai nhận thấy hiệu quả từ việc trồng bưởi và nuôi cá là cao và ổn định.
Đến năm 2017, ông Oai đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp, mua thêm đất đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Hiện ông Oai đang có gần 4.000m2 ao thả cá; 5.000m2 đất trồng cây ăn quả; 3,3 ha trồng rừng; làm chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn và gia cầm.
Ông Oai tận dụng diện tích đất dưới tán cây bưởi để nuôi gia cầm như gà thả vườn, ngan...
Đến nay mô hình VAC của ông Oai đã mang lại kết quả cao cho gia đình. Từ hơn 4.000 m2 ao thả cá rô phi đơn tính, thả xen cá trắm và cá trôi của ông Oai mỗi năm xuất bán từ 10 đến 12 tấn cá, thu hơn 300 triệu đồng.
Trên diện tích 5.000 m2 được trồng hơn 200 gốc bưởi da xanh và bưởi Diễn, mỗi năm ông Oai thu từ 80 đến 100 triệu đồng. Cây bưởi da xanh do ông tự ươm ghép mắt giống theo điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vì vậy cây bưởi sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho năng suất và chất lượng quả ổn định qua các năm.
Ông Oai còn chia sẻ giống cây trồng giúp đỡ các hộ nông dân trong xã cùng trồng và nhân giống cây bưởi da xanh và giống cây trồng, vật nuôi khác.
Ngoài ra ông Oai đầu tư vốn làm thêm nghề mua bò vỗ béo rồi bán; nuôi lợn thương phẩm và ngan, gà lấy thịt. Mỗi năm, ông xuất bán và thu về hơn 100 triệu đồng.
Giống bưởi da xanh do ông Oai tự chiết ghép phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cho năng suất và chất lượng quả ổn định qua các năm.
Tận dụng lợi thế từ mô hình VAC của gia đình, ông Oai đã sử dụng nguồn phân từ chăn nuôi ủ trấu dùng để bón cho cây bưởi da xanh. Tận dụng diện tích đất trồng cây bưởi để nuôi thả gà, diện tích ao cà được dùng để nuôi thả ngan. Ông Oai cũng dùng luôn nguồn nước ao để tưới cho toàn bộ diện tích trồng bưởi.
Với cách làm trang trại bài bản, mặc dù ở miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng ông Lò Văn Oai đã xây dựng được trang trại VAC cho thu nhập cao, nhiều người ví trang trại VAC của ông Oai là trang trại "sơn thủy hữu tình".
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Oai nói: “Xuất thân từ nông dân chỉ biết làm ruộng, quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn. Bản thân là cán bộ khuyến nông xã, được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nhiều mô hình kinh tế, tôi đã mạnh dạn áp dụng chuyển đổi cơ cấu sản xuất gia đình mình từ làm ruộng sang làm mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế....".
Theo ông Oài, từ khi chuyển sang làm trang trại tổng hợp VAC, gia đình ông đã thoát được nghèo, mức sống của gia đình được tăng lên, con cháu có điều kiện ổn định để học hành. Thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và trồng trọt, phát triển mô hình sản xuất của gia đình.
Ngan được nuôi trong môi trường rộng, tự nhiên nên cho chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao cho các thương buôn.
Với bản tính siêng năng và quyết tâm làm giàu, đến nay cán bộ khuyến nông xã Lò Văn Oai đã đạt được những kết quả cao trong lao động sản xuất. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình với mô hình kinh tế VAC, ông Oai còn có uy tín cao trong cộng đồng dân cư.
Do vậy, mỗi khi đến với người dân tại các cơ sở tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., ông Oai không gặp nhiều khó khăn, được nhân dân tin tưởng, cấp ủy, chính quyền cơ sở đánh giá cao.