Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về các tình huống thất thoát hàng hóa trong quá trình xuất khẩu Hồ tiêu, cà phê tới các quốc gia Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc… để các bên cùng nắm và phối hợp kiểm chứng, rà soát các quy trình.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (gọi tắt là Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý cảng Cát Lái) cho biết sẵn sàng phối hợp cùng các doanh nghiệp làm việc với các cơ quan thẩm quyền, đơn vị chức năng để tìm hiểu và xác minh các trường hợp thiếu hụt hàng hoá.
Kết thúc cuộc họp, VPSA cùng các doanh nghiệp và phía Tân Cảng Sài Gòn đã thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp để điều tra vụ việc đến cùng để một mặt bảo vệ uy tín cho Tân Cảng Sài Gòn nói riêng và của ngành Hàng hải Việt Nam nói chung, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu khi tin tưởng sử dụng dịch vụ của Tân Cảng Sài Gòn.
Tân Cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm các hồ sơ của doanh nghiệp gặp vấn đề nêu trên và tiến hành rà soát, điều tra theo quy định của nhà nước và hải quan, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng là các doanh nghiệp xuất khẩu .
VPSA cam kết tiếp tục hỗ trợ, phối hợp, trao đổi thông tin với Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp trong quá trình điều tra vụ việc để sớm đạt được kết quả. Đồng thời, đề nghị Tân Cảng Sài Gòn nhanh chóng điều tra giải quyết sự việc, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu , giữ vững lòng tin của khách hàng là các doanh nghiệp xuất khẩu để từ đó khẳng định uy tín và thương hiệu của Tân Cảng Sài Gòn.
Trước đó, đầu tháng 6-2024, VPSA thông tin một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu , cà phê phản ánh tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị "rút ruột" tại cảng Cát Lái.
Theo VPSA, có 5 doanh nghiệp hội viên phản ánh về tình trạng mất cắp hồ tiêu và cà phê tại cảng Cát Lái. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 9-2023 đến tháng 4-2024 đã có 8 lô hàng, gồm 4 lô hồ tiêu và 4 lô cà phê thuộc 5 doanh nghiệp đã bị "rút ruột".
VPSA đánh giá tình trạng mất hàng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính cho doanh nghiệp vì phải đền bù hoặc bị phạt theo quy định hợp đồng với đối tác nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng tương lai của doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung bị sụt giảm trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội đề nghị các đơn vị vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra vụ việc và phản hồi bằng văn bản, có phương án đền bù thiệt hại việc bị mất hàng nếu sự việc xảy ra thuộc chức năng và trách nhiệm của cảng.