Trong thông báo phát đi chiều 20/11, Công ty Cổ phần FastGo cho biết, sẽ xem xét rút đơn kiện sau khi các tài xế đã có văn bản nhận sai và xin lỗi .
Ngày 19/11, hai người trong nhóm tài xế từng phản đối FastGo đã có buổi làm việc với đại diện công ty. Biên bản làm việc cho biết, trong quá trình đổi soát và vận hành chương trình VinFastCar đã dán băng rôn trước và sau xe để phản đối, đồng thời tụ tập ở sảnh tòa nhà VTC Online tại 18 Tam Trinh, Hà Nội - nơi đặt trụ sở của FastGo - thu hút sự chú ý của nhiều người.
Hai tài xế đã thừa nhận sự kiện trên là không đúng, viết cam kết và xin lỗi FastGo. Được biết, trong buổi làm việc này hai tài xế cũng bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được tạo điều kiện tham gia kinh doanh trong chương trình VinFastCar.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, một tài xế trong nhóm căng băng rôn cho biết, nhóm tài xế gồm 15 người đã đăng ký tham gia chương trình VinFastCar.
“Đây đều là những người rất hoàn cảnh. Để mua xe chạy FastGo họ đều phải vay tiền ngân hàng, có người phải bán xe cũ vay thêm ngân hàng, có người vay ngân hàng tới 75% giá trị xe”, tài xế này nói.
Anh cho biết, họ là những người yếu thế, bất đắc dĩ mới phải căng băng rôn phản đối chứ không ai muốn vướng vào vụ việc vì họ đều phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình và trả nợ ngân hàng.
“Các tài xế đều muốn giải quyết vụ việc để tiếp tục làm ăn”, tài xế này nói.
Hai tài xế đã tới công ty FastGo để thương lượng, tiếp tục chạy xe. Các tài xế khác cũng tính toán về đối tác bởi xe đã mua và hàng ngày vẫn phải trả lãi cho ngân hàng.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, sáng 13/11 trên nhiều tuyến đường xung quanh tòa nhà 18 Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi FastGo đặt trụ sở, đã xuất hiện một số xe Vinfast Fadil dán băng rôn với nội dung: "FastGo lừa mua xe Fadil làm cho tài xế vỡ nợ".
Theo đại diện công ty FastGo, đây là 3 tài xế trong số nhiều đối tác tài xế mua xe VinFast Fadil và tham gia làm tài xế FastGo theo thoả thuận hợp tác với công ty FastGo.
Theo thoả thuận này, đối tác tài xế tham gia sẽ được cam kết doanh thu lên đến 25 triệu đồng/tháng nếu đáp ứng được các điều kiện hoạt động của công ty như: Online 12h/ngày, 6 ngày/tuần; Tỷ lệ nhận chuyến trên 90%; Tỷ lệ thành công trên 90% (không tính các cuốc hủy)... Với mức cam kết doanh thu 21 triệu đồng/tháng, điều kiện là online 12h/ngày, 5 ngày/tuần...
Nhưng trong tháng 10/2019, ba đối tác trên chưa đáp ứng các điều kiện cam kết, đặc biệt là tỷ lệ hoàn thành chuyến đi rất thấp (nhận cuốc xong lại huỷ không đón khách hoặc không đón được khách). Do đó, các tài xế không được nhận đủ doanh thu như cam kết.
Tuy nhiên khi trao đổi với PV Báo Giao thông, các tài xế trên cho rằng điều này không đúng so với thoả thuận ban đầu giữa hai bên.