Gia đình anh Tú, chị Phương có nghề làm miến dong truyền thống từ những năm 1975, nghề do ông bà để lại. Sản phẩm miến dong được làm thủ công hoàn toàn từ củ dong riềng trồng tại xã Mường Phăng và xã Nà Tấu của huyện Điện Biên.
Nghề làm miến dong truyền thống hơn 40 năm của gia đình anh Tú chị Phương do ông bà truyền lại.
Chị Phương chia sẻ quy trình sản xuất miến dong của gia đình mình với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN: “ Sau khi mua tinh bột ướt củ dong riềng về còn nhiều tạp chất, tôi phải ngâm bột để lọc sạn, làm sạch nhựa của bột dong. Tiếp theo là hồ hóa, tráng tạo mỏng hấp chín bánh miến. Phơi bánh miến sơ qua sao cho bánh miến còn giữ được độ ẩm nhất định. Cho bánh miến vào cắt sợi, cuối cùng là phơi khô sợi miến dong”.
Khâu trộn tạo dịch hồ để tráng bánh miến được anh Tú làm thủ công bằng tay.
Chủ yếu là sản xuất theo quy mô hộ gia đình, mỗi ngày gia đình anh Tú chị Phương làm từ 1,2 đến 1,5 tạ miến dong. Đổ buôn cho các chợ trong địa bàn tỉnh Điện biên và xuất bán số lượng lớn đi các tỉnh, như: "Hải Phòng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi... Giá miến dong mua trên 1 tạ là 46.000 đồng/ 1kg, dưới 1 tạ là 47.000 đồng/1kg.
Bánh miến sau khi được phơi sơ sẽ được cho vào máy cắt thành các sợi miến đều nhau.
Anh Tú chia sẻ thêm: “Làm miến dong là nghề truyền thống của gia đình tôi từ thời ông bà để lại. Đến nay vợ chồng tôi làm và vẫn giữ được chất lượng miến dong như trước. Tôi lựa chọn kỹ từ khâu nguyên liệu sạch đến khâu trộn dịch hồ để tráng bánh miến, không pha thêm bất cứ bột gạo hay chất tạo dai. Sản phẩm miến dong nhà tôi 100% từ tinh bột củ dong riềng”.
Sợi miến được phơi dưới ánh nắng tự nhiên. Sợi miến có mầu nâu nhạt của củ dong riềng.
Với ý trí làm giàu và gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, anh Tú chị Phương cho biết thời gian tới sẽ đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất, để sản phẩm miến dong của gia đình được đến tay nhiều người tiêu dùng.