Trước đó, sự kiện diễn ra trong 2 ngày này bị thay đổi nơi tổ chức, từ TP Bắc Kinh - Trung Quốc đến đảo quốc sư tử, để tránh trùng với lễ khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế Trung Quốc (CIIE).
Để dập tắt những suy đoán cho rằng Trung Quốc không thật sự quan tâm đến diễn đàn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang, phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn đã bay đến Singapore và có một bài phát biểu chính.
Tại đây, ông Vương gặp lại rất nhiều bạn cũ, bao gồm người sáng lập mạng lưới truyền thông tài chính toàn cầu Michael Bloomberg và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Phó chủ tịch Trung Quốc chấm dứt chuyến đi chớp nhoáng bằng việc gặp gỡ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Danh sách những nhân vật quan trọng tham gia diễn đàn còn bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Hank Paulson, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, cựu cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ Gary Cohn, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, Thủ tướng tương lai của Malaysia Anwar Ibrahim, các bộ trưởng từ các nước châu Á và Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông Đổng Kiến Hoa.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Ảnh: Reuters
Đáng lưu ý là sự vắng mặt của các cựu quan chức hoặc quan chức đương nhiệm của Trung Quốc dù các cuộc thảo luận của diễn đàn đều tập trung vào quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Một số người cho rằng vì ông Vương đã nêu rõ quan điểm của Trung Quốc trong bài phát biểu chính nên những quan chức khác không có gì để bổ sung.
Vì vậy, trong những phiên thảo luận tiếp theo, một số học giả từ Bắc Kinh phải đảm nhận trọng trách giới thiệu quan điểm của Trung Quốc. "Phó Chủ tịch Vương đã gửi một thông điệp mạnh mẽ nhưng nếu không có sự tham gia tích cực của các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại đây, tôi sợ rằng quan điểm của Trung Quốc sẽ không được trình bày đầy đủ trong các cuộc thảo luận. Có lẽ họ quá bận rộn hoặc là không muốn đến" - GS Zha Daojiong của Trường ĐH Bắc Kinh băn khoăn.
Ông Zha, một học giả nổi bật trong ngành quan hệ quốc tế, rất tích cực trao đổi quan điểm với các diễn giả khác nhưng chủ yếu đều rơi vào thế chống đỡ. Ông cho rằng nếu Trung Quốc muốn được thấu hiểu, đáng lẽ họ phải đưa đến nhiều quan chức hơn để phát biểu trước các bộ trưởng và chính trị gia từ những nước khác.
Dù lý do có là gì, trong khi các quan chức Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự trong việc tham gia diễn đàn, phần lớn các bài phát biểu đều do phía quan chức Hồng Kông đảm nhận. Trong số đó, giám đốc điều hành Charles Li Xiaojia của sàn chứng khoán Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd. gây ấn tượng với các địa biểu bằng bài phát biểu về "cuộc hôn nhân" giữa Mỹ - Trung Quốc, đồng thờicho rằng sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là kế hoạch quan trọng của Trung Quốc.
(Theo SCMP)