Trong thời gian vừa qua, một số khu vực phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra tình trạng quá tải cục bộ lưới điện truyền tải. Bắt nguồn từ việc hiện tại điện gió, điện mặt trời đang được ưu đãi mức giá hấp dẫn. Các dự án điện mặt trời vận hành thương mại trước tháng 7/2019. Còn với điện gió, hạn là năm 2021.
Liên tiếp nhiều dự án xin bổ sung vào quy hoạch điện, khiến lưới điện truyền tải không theo kịp. Công suất cả điện gió và điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch hiện nay đã lên tới 21.930 MW, gấp 13 lần quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng lưới điện truyền tải đồng bộ, đảm bảo giải tỏa công suất tối ưu gắn với sự phát triển của các trung tâm điện lực, đặc biệt là khu vực tập trung phát triển năng lượng mới và tái tạo.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Nghị quyết 55 ban hành đã tháo bỏ tất cả rào cản và xóa bỏ độc quyền, để tư nhân tham gia truyền tải điện. "Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ. Làm đường dây 500 kV tư nhân chúng tôi làm chỉ 6-8 tháng, EVN làm phải 4 năm, nhưng không phải EVN không thể làm bởi nền tảng kỹ thuật của EVN lớn hơn chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên để họ làm đầy đủ quy trình thì rất mất thời gian".
Tuy nhiên, ông Tiến cũng bày tỏ băn khoăn, cho rằng nếu như 2021 đã xóa bỏ ưu đãi thì sẽ khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi đện gió mang lại nhiều lợi ích hơn vì giờ phát đều đặn hơn và sử dụng diện tích đất ít hơn.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận nói: "Hiện nay chưa hợp lý ở chỗ EVN mua thì cao, bán thì thấp mà bắt họ phải đầu tư cả đường dây truyền tải phân phối thì không hợp lý".
Theo ông Thịnh, nghịch lý là nguồn thì tư nhân làm, làm rất nhanh, có thể điện mặt trời 3-4 tháng xong một dự án. Nhưng về đường dây thì EVN, với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, phải tuân thủ rất chặt quy định về đấu thầu, nên một dự án đường dây không bao giờ dưới 2-3 năm cả. Như vậy, phát triển năng lượng tái tạo luôn có độ vênh giữa đường và lưới.
"Nếu một ngày không truyền tải được lượng điện sản xuất ra thì thiệt hại là vô cùng lớn. Ở Bình Thuận có dưa hấu, có thanh long bị ế. Thanh long, dưa hấu có thể chế biến, phơi khô, cho bò ăn… nhưng điện ế thì không tích trữ được. Mà điện sản xuất ra không có truyền tải thì thiệt hại vô cùng lớn" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Dương Quang Thành cho biết, sắp tới, không chỉ tập trung đầu tư và đưa vào vận hành nhiều trạm biến áp, EVN sẽ triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống tích điện, có khả năng tích trữ nguồn năng lượng mới và tái tạo nhằm vận hành cung cấp đủ điện.