HĐQT CTCP Điện Gia Lai (GEG) đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre tại xã Thừa Đức và xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Nhà máy có công suất lắp máy là 70 MW, được chia làm 2 giai đoạn bao gồm:
+ Giai đoạn 1 (2017-2020) công suất 30 MW với tổng mức đầu tư 1.320 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2 (2019-2021) là 40 MW. Chủ đầu tư dự án là CTCP Năng lượng VPL.
Trong đóm GEG dự kiến mua lại 90% cổ phần Nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre. Công ty sẽ đàm phán với đối tác nhằm với mục tiêu giá trị nhận chuyển nhượng bằng chi phí phát triển toàn bộ dự án đến thời điểm hiện tại là không quá 77 tỷ đồng. Sau đó, giao Tổng giám đốc đàm phán nhận chuyển nhượng 10% cổ phần còn lại với giá trị tương tự như trên.
Điểm qua về thị trường điện gió, thời gian gần đây công tác đẩy mạnh nguồn năng lượng này bắt đầu mạnh mẽ trở lại. Đơn cử, Tập đoàn Mainstream Renewable và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 2 tỷ USD nhằm phát triển, xây dựng và vận hành trang trại điện gió Phú Cường (công suất 800 MW) tại tỉnh Sóc Trăng.
Hay ‘bà trùm’ M&A ngành điện Cơ điện lạnh REE cũng đẩy mạnh tham gia lĩnh vực điện gió với thương vụ tăng sở hữu Công ty phong điện Thuận Bình từ 25% lên 49,1% trong đợt đấu giá do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tiến hành. Được biết, REE đặt mục tiêu tăng danh mục điện gió của công ty gấp 4 lần đạt 98MW trong năm 2021. Công ty cũng đã nộp báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho nhà máy điện gió Trà Vinh (48MW) cho Bộ Công thương (MOIT) và kỳ vọng được nhận phê duyệt chính thực vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020. Cả 2 nhà máy điện gió này đều được dự kiến động thổ trong năm 2020 và dự kiến hoàn thành trước thời hạn hưởng giá ưu đãi cho điện gió hết hạn vào tháng 11/2021.
Nói về tiềm năng của nguồn điện này, theo Eco-Business, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực về sản xuất điện gió cả trên bờ và trên biển, với công suất dự kiến 1GW sẽ được lắp đặt vào năm 2021, tăng từ mức 327MW ở hiện tại, vượt qua cả Thái Lan – đang đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về công suất gió được lắp đặt.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN đã triển khai khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi, với công suất 99 MW. Trong kế hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia mới nhất, Việt Nam đặt mục tiêu triển khai tổng công suất điện gió là 6.000 MW vào năm 2030.
Đặc biệt, vào tháng 7 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đánh giá khu vực ngoài mũi Kê Gà ở miền Nam Việt Nam để xây dựng trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với công suất 3.400 MW. Sau khi hoàn thành, công suất điện của dự án sẽ vượt xa cả các trạm than, khí đốt và thủy điện lớn nhất đất nước.