Những năm gần đây, với nhu cầu bức thiết gia tăng công suất của ngành điện cùng với những ưu đãi lớn từ nhà nước, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Riêng trong năm 2019, hơn 80 dự án điện mặt trời đã được gấp rút triển khai xây dựng và đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019 để nhận ưu đãi. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy này đạt gần 4.500 MW. Với thủy điện hay nhiệt điện, để có được công suất lớn như vậy phải mất vài năm đầu tư xây dựng nhưng với điện mặt trời, thời gian lắp đặt đưa vào vận hành chỉ mất vài tháng.
Tính đến cuối năm 2019, thị trường năng lượng sạch Việt Nam đã dần hình thành với những cái tên dẫn đầu Trung Nam Group, Dầu Tiếng Tây Ninh, TTVN Group, TTC Group, BIM Group, Vietracimex…
Một số dự án lớn tiếp tục đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2020 và theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.
Kết quả kinh doanh của một số nhà máy đã vận hành sớm trong năm 2019 cho thấy lĩnh vực điện mặt trời thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Dữ liệu của CafeF cho thấy hầu hết các nhà máy điện máy trời đều có tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60-70% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu dao động 30-50%.
Ngành hot thiếu vắng đại diện trên sàn
Với hiệu quả kinh doanh hấp dẫn nhưng trên sàn chứng khoán hiện tại lại khá vắng bóng các cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo. GEG của CTCP Điện Gia Lai (thuộc TTC Group) hiện là cái tên hiếm hoi trong ngành với 5 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 260MWp cùng với một số nhà máy thủy điện nhỏ.
Sao Mai Group (ASM) cũng sở hữu tổng suất 150MWp điện mặt trời nhưng nguồn thu từ điện khá khiêm tốn khi đặt cùng các mảng kinh doanh khác như bất động sản hay thủy sản. Là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư năng lượng nhưng REE dường như cũng không quá mặn mà ngoài một khoản đầu tư nhỏ vào Phong điện Thuận Bình.
Ngày 18/9 tới đây, lĩnh vực "đang hot" này sẽ có thêm một đại diện mới chào sàn là TTA của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành.
Mặc dù chỉ có quy mô ở mức trung bình với 2 nhà nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 112 MWp, trong đó 1 nhà máy đã vận hành từ quý 4/2019 và 1 nhà máy sẽ vận hành vào tháng 10/2020 đưa TTA trở thành tân binh hiếm hoi trong ngành năng lượng tái tạo niêm yết trên HoSE. Tính theo giá chào sàn 18.000 đồng/cp, giá trị thị trường của TTA đạt 2.430 tỷ đồng.
Theo thông tin trong bản cáo bạch, bên cạnh 2 nhà máy điện mặt trời, Trường Thành Group còn sở hữu hơn 82MW thủy điện và nắm giữ 35% lợi ích tại Nhà máy Phong điện Phương Mai công suất 30MW. Dự kiến khi toàn bộ các nhà máy vận hành tối đa công suất từ năm 2021, Trường Thành Group sẽ đạt khoảng 790 tỷ đồng doanh thu và 256 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với việc có thêm dự án điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ đi vào vận hành từ cuối năm 2019, doanh thu nửa đầu năm 2020 của Trường Thành Group tăng gần 60% lên 170 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi từ 22 tỷ lên 44 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trường Thành Group còn đặt mục tiêu nâng tổng công suất năng lượng tái tạo lên 992 MW vào năm 2025, dự phóng doanh thu và lợi nhuận lần lượt ở mức 3.200 tỷ đồng và 750 tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại gia tăng sự hiện diện
Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quỹ đang rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Do vậy, một khi đưa cổ phiếu lên sàn, bên cạnh việc hướng tới mục tiêu hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch thì các doanh nghiệp trong ngành cũng có thể có cơ hội đón đầu dòng vốn ngoại. Trước khi triển khai 1 loạt dự án điện mặt trời, Điện Gia Lai cũng đã chào bán 20% cổ phần cho Armstrong S.E. Clean Energy Fund.
Theo kế hoạch, sau khi niêm yết Trường Thành Group sẽ chào bán riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá chào bán kỳ vọng cao hơn giá chào sàn để bổ sung nguồn vốn cho công ty và đầu tư cho dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1.
Tại buổi Roadshow tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Trường Thành Group cho biết tập đoàn niêm yết cổ phiếu trên sàn nhằm tìm kiếm những đối tác chất lượng, thực sự quan tâm đến mảng năng lượng tái tạo và đồng hành ở các dự án trong tương lai. Theo kế hoạch công ty sẽ đầu tư khoảng 200MW/năm trong những tới đây.
Một số nhà đầu tư ngoại nổi bật trên thị trường năng lượng tái tạo có thể kể đến như AC Energy (Philippines) hay B.Grimm Power (Thái Lan). AC Energy hiện đang nắm giữ cổ phần đáng kể tại các công ty năng lượng tái tạo của BIM Group cũng như mua lại dự án điện gió B&T tại Quảng Bình còn B.Grimm Power đang nắm cổ phần chi phối tại 2 dự án có quy mô lớn hàng đầu là Dầu Tiếng Tây Ninh (55%) và TTP Phú Yên (80%).