Phải gần một tuần sau khi vụ bê bối dữ liệu cá nhân giữa Facebook và Cambridge Analytica bị phát giác, CEO của mạng xã hội lớn nhất thế giới này mới chính thức lên tiếng nhận lỗi. Mark Zuckerberg cũng hứa sẽ cải thiện hệ thống để gia tăng tính bảo mật cho người dùng.
Đầu tháng 4/2018, Facebook có những động thái đầu tiên thể hiện nỗ lực cải thiện của mình. Công ty chỉnh sửa thuật toán để New Feeds của người dùng hiển thị nhiều hơn các cập nhật từ bạn bè, người thân và hiển thị ít thông tin hơn. Cùng với đó, Facebook cũng chặn tính năng tìm kiếm bạn bè thông qua email hoặc số điện thoại. Đây được xem như một bước đi táo báo của công ty này nhằm đánh đổi mức độ mở của nền tảng cho các bên khai thác để lấy sự tin tưởng của người dùng.
Trên thực tế, phần lớn người sử dụng Facebook đều tìm kiếm bạn bè hoặc người thân của mình thông qua email hoặc số điện thoại, bởi đó là những thông tin xác định danh tính duy nhất của người dùng trên mạng xã hội này. Việc tìm kiếm bằng tên rất phức tạp bởi số lượng người dùng có tên trùng nhau là vô cùng lớn. Với sự hỗ trợ tìm kiếm bằng số điện thoại hay email thuận lợi cho người dùng, Facebook đã từng thực hiện rất tốt sứ mệnh "kết nối con người" (connecting people) như slogan của công ty này.
Do đó, động thái nói trên của Facebook có vẻ khá liều lĩnh, khi công ty này chủ động làm suy giảm độ mở của nền tảng mạng xã hội này đối với người dùng.
Độ mở của nền tảng là mức độ của nền tảng cho phép không có bất kỳ giới hạn nào với sự tham gia của các bên trong quá trình phát triển, thương mại hóa hay sử dụng nền tảng. Chính độ mở vượt trội của Facebook là một trong những lợi thế cốt lõi giúp Facebook nhanh chóng vượt qua được sự phổ biến của Myspace, một mạng xã hội có nhiều tính năng tương đồng với Facebook nhưng được thành lập trước Facebook và từng phổ biến trong một thời gian dài.
Các nền tảng ứng dụng đang mở như thế nào?
Facebook đã từng rất lỏng lẻo trong việc cho phép các bên thứ ba tiếp cận dữ liệu cá nhân người dùng của mình. Hầu hết các ứng dụng đều có thể đăng ký bằng tài khoản Facebook, thông qua việc cho phép nhà phát triển ứng dụng tiếp cận với dữ liệu cá nhân của người dùng. Ngoài các ứng dụng thì diễn đàn, nhà quảng cáo hay bất kỳ người tìm kiếm nào cũng dễ dàng tiếp cận được tài khoản cá nhân của người dùng khi có ít nhất một manh mối, như bạn chung chẳng hạn.
Đương nhiên tính năng của Facebook cho phép người dùng có thể ẩn một số thông tin nhất định với người lạ, nhưng bằng các cách thức khác nhau, dấu vết của người dùng luôn bị ghi lại. Nhà quảng cáo – những kẻ săn lùng dữ liệu cá nhân – luôn theo dõi từng hành động của người dùng. Chỉ cần người lướt qua và để mắt tới một sản phẩm nào đó, ngay lập tức có rất nhiều biển quảng cáo được hiển thị bên cạnh New Feeds.
Độ mở là một yếu tố quan trọng quyết định mức độ phổ biến của nền tảng. Wikipedia cho phép mọi người có thể chỉnh sửa thông tin trong các bài viết của nó. Điều này giúp cho chỉ ít năm sau khi xuất hiện, mạng xã hội này đã làm lu mờ nhiều nguồn cung cấp thông tin truyền thống khác và vươn lên trở thành nguồn tham khảo phổ biến nhất thế giới. Các nền tảng từ điển khác, dù được đầu tư bài bản đến đâu cũng không thể thu hút lượng người xem khổng lồ như vậy do không thể có được độ mở tương tự.
Youtube cũng là một ví dụ tương tự. Bởi hệ thống quá mở, mạng xã hội này cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất nội dung tại đây. Không lâu sau khi thành lập, Youtube trở thành phương tiện đăng tải video của cả giới thương mại lẫn nghiệp dư, từ những video hết sức ngớ ngẩn cho tới những bài tham luận chính trị hay truyền cảm hứng. Trong khi đó, Vimeo – một nền tảng chia sẻ video khác – có độ mở hạn chế hơn đáng kể so với Youtube nên đương nhiên không thể so sánh về mức độ phổ biến.
Như vậy, có thể nói độ mở của nền tảng là một yếu tố quan trọng thu hút đa dạng người dùng. Nơi đâu có người dùng, nơi đó có nhiều người mua hàng tiềm năng và là mục tiêu của các nhà quảng cáo. Việc Facebook nâng cao tính bảo mật rất có thể dẫn tới giảm độ mở của nền tảng này và làm giảm số lượng người dùng (mặc dù có thể những người dùng còn lại có chất lượng tốt hơn ở một vài khía cạnh).
Nguy cơ dò dỉ thông tin còn có thể tới từ độ mở của hệ điều hành
Mọi người đang lo ngại về việc thông tin cá nhân của mình có thể bị dò dỉ khi họ sử dụng một số ứng dụng hoặc mạng xã hội có nội dung yêu cầu cung cấp những thông tin này để có thể tham gia. Nhưng nhiều người quên mất rằng, độ mở của nền tảng hệ điều hành cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới dò rỉ dữ liệu.
Hệ điều hành iOS luôn được tin tưởng về tính bảo mật cao so với đối thủ mạnh nhất của mình là hệ điều hành Android. Nguyên nhân là các nhà thiết kế iOS rất khắt khe trong việc cấp phép cho các lập trình viên bên ngoài được tham gia phát triển và chạy ứng dụng trong hệ điều hành của mình. Các ứng dụng được chạy sẽ lại yêu cầu dữ liệu cá nhân để có thể sử dụng.
Để đánh đổi lấy khả năng bảo mật, Apple chấp nhận việc tồn tại kho ứng dụng nghèo nàn và phát triển chậm chạp của mình gây ra sự nhàm chán cho người sử dụng các sản phẩm của công ty. Tuy vậy, một số nhà phát triển ứng dụng ưa thích iOS bởi sự an toàn với bản quyền của các phần mềm do mình viết ra.
Trong khi đó, Android – hệ điều hành mã nguồn mở ra đời sau và nhanh chóng chiếm tới 90% thị phần điện thoại thông minh trên thế giới – lại dính phải nhiều vụ bê bối lớn về ăn cắp bản quyền và xâm phạm riêng tư. Một số phần mềm theo dõi có thể chạy trên hệ điều hành Android – như TaintDroid chẳng hạn – thậm chí có thể biết được khi nào thông tin cá nhân được gửi tới máy chủ tập trung.
Rõ ràng, bên cạnh việc chú ý tới các ứng dụng, người dùng các thiết bị thông minh nên cẩn trọng với cả hệ điều hành của mình. Thậm chí mọi người nên thấy rằng, hệ điều hành là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới bảo mật thông tin cá nhân.
Thiết bị thông minh như một con dao hai lưỡi. Hệ điều hành và các ứng dụng cũng vậy. Một mặt, chúng giúp người dùng có thể theo dõi, quan sát, học hỏi nhiều thứ từ thế giới. Mặt khác, chúng cũng giúp thế giới theo dõi, quan sát và biết được mọi thứ của bạn.