Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 22 thế giới về sản lượng điện, nhưng đến năm 2025, công suất nguồn cần phải đạt trên 300 tỷ kWh, năm 2030 đạt 600 tỷ kWh và năm 2045 đạt 1.200 tỷ kWh
Với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện sẽ có rất nhiều thay đổi. Nghĩa là, giá điện sẽ tăng khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường. Để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0, Việt Nam không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), ngay cả nhà máy điện khí cũng sẽ phải hạn chế đến mức tối thiểu. Vì vậy, nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
Ông Cường cho biết thêm: "Kịch bản phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ luôn phải ở công suất cao để ứng phó với tình trạng thiếu nguồn khi các dự án có khả năng chậm tiến độ. Hiện các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh nhưng cho đến năm 2045 vẫn phải đầu tư thêm các nguồn điện truyền thống, vì các dự án năng lượng tái tạo không đáp ứng được nhu cầu vào những giờ cao điểm, đặc biệt là buổi tối khi bị hạn chế bởi nguồn năng lượng mặt trời".
Theo ông Cường, 2 nguồn phụ tải lớn ở Việt Nam tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang gây khó khăn cho hệ thống truyền tải vì quá xa nguồn phát (chủ yếu tại Miền Trung và Tây Nguyên). Khi các nguồn điện gián đoạn như điện gió và điện mặt trời phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, các dự án lưu trữ điện với công suất lớn như điện than sẽ được đưa vào thay thế. Tuy nhiên, các dự án điện than sẽ rất khó phát triển thêm theo cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26.
Ông Cường lý giải thêm, việc thiếu hụt 1.000MW điện than sẽ tương đương với việc phải xây thêm 2.000MW điện gió và 4.000 MW điện mặt trời để bù đắp. Mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho hạ tầng nguồn cũng như lưới điện cần được huy động để đảm bảo được nguồn cung điện, nếu không đây sẽ là thách thức lớn cho nền kinh tế.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Trung Nam Group (TNG), các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo hiện vẫn gặp nhiều thách thức về cơ chế, nhất là khi hành lang chính sách phát triển dự án điện mới vẫn còn đang trong quá trình thiết lập. Trên thực tế, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được thông qua hay kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi chưa rõ ràng nên chưa có dự án triển khai cụ thể.
Ông Kiên cho biết tại diễn đàn: "Hợp đồng mua bán điện vẫn đang do EVN độc quyền bao tiêu sản lượng và có quyền không khai thác, trong khi đó còn những thách thức về công nghệ khi triển khai các dự án điện mới bởi hệ thống lưới điện chưa đồng bộ giữa các khu vực, đặc biệt là đường truyền tải còn nhiều vấn đề. Ngoài ra còn thách thức lớn hơn nữa về tài chính khi nguồn vốn đầu tư chưa rõ ràng và giá mua điện vẫn chưa ổn định".
Bà Ngô Quỳnh Lan, Trường phòng phát triển kinh doanh, Công ty CP Xây dựng IPC E&C, cũng đã trao đổi về những khó khăn khi đầu tư các dự án điện sạch trong thời gian qua. Bà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng là một trong những chìa khóa quan trọng. Việc này còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư. Nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng lại là điều làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của các dự án.
Việc giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến tiện độ của dự án điện. Quỹ đất dành cho dự án còn nhiều hạn chế, nhất là đối với hành lang an toàn cánh tuabin hiện nay chưa có hướng dẫn quy định trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hay người dân không hợp tác, cản trở thi công với nhiều lý do như tiếng ồn, bụi bặm...
Vì vậy, bà Quỳnh Lan đề xuất: "Rất cần có cơ chế chính sách thúc đẩy xây dựng hạ tầng lưới điện, cũng như ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng nội địa và ưu tiên phát triển tổng thầu EPC trong nước".