Giá đất Đà Nẵng cao gấp 3,6 lần Nha Trang
Theo dự thảo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 của Sở Tài Chính đề xuất hệ số 1,0 cho 922 vị trí tuyến đường; hệ số 1,1 cho 1.071 vị trí, tuyến đường; hệ số 1,2 cho 675 vị trí, tuyến đường và hệ số từ 1,3-2,9 cho 36 tuyến đường, vị trí còn lại của thành phố.
Theo hệ số điều chỉnh này, giá đất tại Đà Nẵng đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh là 2,9, kéo giá đất tại đây tăng lên 286,5 triệu đồng/m2. Cùng với đó, đường Bạch Đằng, đoạn từ Đống Đa đến Nguyễn Du và đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh tăng lên 207,5 triệu/m2 với hệ số điều chỉnh 2.1.
Như vậy, có thể thấy với mức điều chỉnh hệ số sử dụng đất theo dự thảo hiện tại, nhiều tuyến đường tại Đà Nẵng có giá đất lên đến gần 300 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với những thành phố du lịch biển như Nha Trang, Quảng Ninh và chỉ đứng sau Hà Nội và TPHCM.
Được biết, Bảng giá đất năm 2017 giá đất cao nhất ở Đà Nẵng là hơn 96 triệu đồng/m2. Đến 2019 mức giá cao nhất nhích t lên 98,8 triệu đồng/m2. Lý giải việc này, Sở TNMT Đà nẵng từng cho rằng việc tăng giá đất do biến động tăng giá mạnh trên thị trường. Thực tế, thời điểm tăng giá đất là sau khi đất Đà Nẵng đã nóng sốt với đỉnh điểm năm 2018.
Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng là 98,8 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là hơn 79 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cao nhất là hơn 59,2 triệu đồng/m2. Các tuyến đường có giá đất cao nhất có thể "điểm danh" như: 2 Tháng 9, Bạch Đằng, Bình Minh 6, Bình Minh 5, Bình Minh 4, Bình Minh 5, Đỗ Bá, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Kế Viêm, Hoàng Văn Thụ, Hồ Nghinh, Hàm Nghi, Hùng Vương, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt…
Trong khi so sánh với tỉnh Khánh Hòa, bảng giá đất định kì 5 năm giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh này có mức giá cao nhất là 27 triệu đồng/m2, thuộc TP Nha Trang, và tối thiểu 400.000 đồng/m2. Như vậy, mức giá đất cao nhất của Đà Nẵng đang gấp 3,6 lần "đỉnh" giá đất ở Nha Trang, Khánh Hòa. Hiện giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng chỉ đang thấp hơn Hà Nội (188 triệu/m2) và TPHCM (162 triệu/m2).
Giảm bảng giá đất, kích hoạt du lịch Đà Nẵng phục hồi hậu Covid-19
Liên quan đến bảng giá đất tại Đà Nẵng đang ở mức quá cao, phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao nâng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển KT-XH TP Đà Nẵng", Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG đã đề nghị Sở TN-MT Đà Nẵng cần nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo TP sớm điều chỉnh lại giá đất cho phù hợp với thực trạng hậu Covid để các nhà đầu tư trong giai đoạn này thấy được Đà Nẵng đang mời gọi, đang có nhiều điểm hấp dẫn.
Bàn về giá đất tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng nhận định bảng giá đất 5 năm 1 lần được nâng lên hạ xuống để phù hợp với giá đất theo thực tế. Tuy nhiên, hàng năm sẽ có hệ số điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp. Kinh tế Đà Nẵng gắn chặt với du lịch nghỉ dưỡng, cho nên TP này chịu ảnh hướng rất nặng nề từ dịch Covid-19. Chính vì vậy, Đà Nẵng cần xem xét điều chỉnh lại bảng giá đất để phù hợp với từng năm, nhất là trong giai đoạn cần phải kích cầu nền kinh tế sau Covid như hiện nay.
Cũng theo ông Châu, điều chỉnh giảm bảng giá đất sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng hồi phục sau những thiệt hại lớn do dịch bệnh gây ra. Từ đây sẽ lan tỏa sang các ngành nghề khác, từng bước hồi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển sau dịch bệnh. Chính vì vậy, việc điều chỉnh Bảng giá đất hợp lý trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Phát biểu trên truyền thông về bảng giá đất Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cũng nhận định mỗi lần TP điều chỉnh khung giá đất sẽ có tác động rất lớn lên các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn hậu COVID-19 hiện nay, hầu như mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều mong muốn những chính sách điều chỉnh hỗ trợ thiết thực để nâng đỡ, giúp doanh nghiệp tồn tại. Vì vậy, TP nên xây dựng khung giá đất hợp lý theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu. Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất cũng cần linh hoạt, có thể chia làm nhiều lần, nhiều đợt thay vì yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất một lần để doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng mở rộng sản xuất.
Được biết, Nghị quyết số 348 về nhiệm vụ năm 2021 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng nêu rõ: năm 2021, Đà Nẵng lựa chọn chủ đề "Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế", thực hiện nhiệm vụ kép vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế…Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố kịp thời với tình hình hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh đã có vaccine, dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế. Du lịch là ngành được dự báo sẽ bùng nổ hậu Covid. Vì vậy, việc chính quyền các địa phương, trong đó có Đà Nẵng cần chủ động, kịp thời đưa ra các phương án hỗ trợ về thuế, phí…, ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch hồi phục và phát triển trở lại là cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp để tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư, mà còn là cách để các địa phương sớm vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là với Đà Nẵng – thành phố đã rớt xuống top 5 địa phương tăng trưởng âm năm 2020.