Cuối tháng 12/2024, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh và căn cứ lập, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận phương án điều chỉnh tăng, giảm giá điện 2 tháng/lần, 6 lần/năm thay vì 3 tháng/lần và 4 lần/tháng như hiện nay.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng; Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Theo dự thảo mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%, với biên độ điều chỉnh được nới rộng từ 2-5%, thay vì 3-5% như hiện nay.
Trong khi đó, thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công Thương giữ như hiện nay, đó là khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.
Ngoài phương án rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện 3 tháng xuống 2 tháng/lần, Bộ Công Thương cũng đề xuất rút ngắn biểu giá điện 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó hộ sử dụng nhiều điện từ 401 kWh trở lên/tháng sẽ bị tính giá lũy tiến tăng vọt.
Đáng chú ý, trong bảng điện 5 bậc đề xuất sửa đổi, giá điện bậc 1-3 dành cho khách hàng dùng diện dưới 400kWh sẽ được hưởng lợi với số tiền giảm 36.140 đồng/tháng so với thang giá điện hiện hành.
Trong khi đó, hộ dân sử dụng điện từ 401kWh/tháng sẽ chịu hai bậc giá điện, từ 401 kWh đến 700 kWh/tháng, sẽ chịu mức giá 3.407 đồng, cao hơn giá điện bậc 6 của thang 6 bậc hiện hành hơn 105 đồng/kWh.
Hộ sử dụng điện trên 701kWh/tháng trở lên sẽ chịu giá rất cao hơn 3.785,6 đồng/kWh, tăng gần 500 đồng/kWh điện so với đơn giá cao nhất của thang 6 bậc hiện hành.
Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành điện năm 2024, EVN cũng công bố thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2024, theo đó tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng (23 tỷ USD), trong đó, doanh thu Công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023. Vốn chủ sở hữu là 204.000 tỷ đồng (bằng 104% so với năm 2023).
Năm 2024, EVN nộp ngân sách ước đạt 25.000 tỷ đồng (1 tỷ USD), hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Mẹ EVN năm 2024 có lợi nhuận.
Về sản lượng điện, theo EVN năm 2024 sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so năm 2023, trong đó sản lượng điện sản xuất các NMĐ thuộc Công ty mẹ EVN là 50,0 tỷ kWh, chiếm ~16,2%; các NMĐ thuộc các GENCO là 74,5 tỷ kWh, chiếm ~24,1%; các NMĐ ngoài EVN là 184,3 tỷ kWh, chiếm 59,7%. Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 276,4 tỷ kWh, tăng 9,24% so với năm 2023.
Trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Trong năm 2024, giá điện mới chỉ tăng 1 lần vào ngày 11/1, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/ kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức điều chỉnh tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Thực tế, hiện ngành điện chịu áp lực lớn từ chi phí đầu vào khi giá than, dầu cho phát điện đang cao hơn, chi phí cho nhiệt điện, đặc biệt là điện khí LNG cao hơn giá bán lẻ.