VEC cho biết, theo quy định hiện hành, đơn vị được quyền điều chỉnh mức phí các tuyến cao tốc quản lý, khai thác nhưng không vượt quá mức trần (do Bộ GTVT quy định).
Hiện mức phí tối đa các tuyến cao tốc do VEC khai thác đang áp dụng theo quy định (tại Thông tư 28/2021, do Bộ GTVT ban hành).
Cụ thể, với xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) mức phí tối đa VEC được thu 2.100 đồng/km; xe từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn mức phí tối đa 3.000 đồng/km; xe từ 31 chỗ ngồi trở lên, xe tải 4-10 tấn thu tối đa 4.400 đồng/km; xe tải từ 10-18 tấn, xe container 20 feet mức phí tối đa 8.000 đồng/km; xe tải trên 18 tấn, xe container 40 feet trở lên mức phí tối đa 12.000 đồng/km.
VEC cho biết, hiện mức thu phí các tuyến cao tốc khai thác đang thu bằng hoặc thấp hơn mức phí tối đa kể trên. Cụ thể, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thu 1.500 đồng/km cho đoạn 4 làn xe và 1.000 đồng/km cho đoạn 2 làn xe cho xe tiêu chuẩn.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi thu 1.500 đồng/km. Mức phí cao nhất VEC áp dụng cho đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, với mức 2.000 đồng/km.
VEC khẳng định, từ khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác chưa điều chỉnh tăng phí lần nào.
Trước đó, từ ngày 1/1/2023, sau khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) hết hiệu lực, mức thuế tăng từ 8% lên 10%, VEC tăng lại thuế, nhân thể tăng cả mức phí . Cụ thể, với tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, mức phí mới là 110.000 đồng/lượt cho xe dưới 12 chỗ ngồi thay vì mức 105.000 đồng/lượt như trước; mức phí đoạn Long Phước - Dầu Giây (thuộc cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) tăng từ 100.000 đồng/lượt lên 102.000 đồng/lượt… Tuy nhiên, VEC chậm thông báo với chủ phương tiện sau khi điều chỉnh tăng phí.
VEC giải thích, việc điều chỉnh tăng phí trên vẫn theo mức phí cũ, chỉ điều chỉnh lại cách tính, thay vì làm tròn để tiện trong việc thu phí theo hình thức thủ công (thu tiền mặt), sang tính tới mức lẻ do đã thu phí tự động , nên mức phí có tăng lên.