Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trước khi đăng đàn để trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH về những vấn đề “nóng” diễn ra chiều nay (4/6) đã có báo cáo gửi ĐBQH về một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có công tác quản lý quy hoạch.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực; Năng lực, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch được nâng cao hơn, đồng thời đã hoàn thành khối lượng lớn các loại quy hoạch...
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chất lượng quy hoạch nhìn chung còn thấp. Các biểu hiện cụ thể là: một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.
Bên cạnh đó, thời gian lập đồ án quy hoạch thường kéo dài so với quy định (từ 6-12 tháng đối với từng loại quy hoạch). Quy định về công bố công khai quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm túc, thực hiện còn mang tính hình thức, không đảm bảo yêu cầu. Việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa rất chậm, tỷ lệ thực hiện bình quân cả nước mới đạt 10-15% yêu cầu. Tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ thực hiện cắm mốc cũng chỉ đạt từ 5 - 10%.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền.
"Hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh). Đáng chú ý là tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến hơn. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó, khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần", Báo cáo nêu rõ.
Lấy ý kiến cư dân về điều chỉnh quy hoạch chưa được quan tâm
Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc điều chỉnh quy hoạch nhiều như vậy là vì công tác dự báo khi làm quy hoạch chưa tốt, dẫn tới việc lựa chọn chỉ tiêu áp dụng cho dự án, xác định cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị, sử dụng đất và tổ chức hạ tầng kỹ thuật không phù hợp với thực tế, với yêu cầu phát triển, nhất là ở các thành phố lớn. Bộ trưởng dẫn chứng, Tp.HCM, đến năm 2016, dân số đã đạt xấp xỉ 13 triệu người, trong khi đồ án quy hoạch chung được duyệt đến năm 2025 chỉ dự báo khoảng 10 triệu người.
Ngoài ra, năng lực của một số cơ quan chuyên môn về xây dựng, quy hoạch còn thấp, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức và còn nặng tính hình thức..
Theo báo cáo, việc lấy ý kiến qua các hình thức đăng trên cổng thông tin điện tử, gửi văn bản, tài liệu, hội thảo…, ý kiến phản hồi chủ yếu là các cơ quan (sở, ban, ngành…), hầu như không nhận được ý kiến của nhân dân, cộng đồng. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng; đơn vị tổ chức lấy ý kiến chưa cung cấp thông tin rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan.
Ngoài ra, do quy định chưa cụ thể về tỷ lệ đồng thuận nên không xác định được tính pháp lý của kết quả lấy ý kiến, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Các ý kiến đóng góp thường chỉ quan tâm đến từng vị trí cụ thể của một thửa đất mà không quan tâm đến ảnh hưởng của khu vực quy hoạch tới cả cộng đồng.