Theo đó, khu công nghiệp và Khu phi thuế quan điều chỉnh mật độ xây dựng gộp tối đa từ 35% lên 50%.
Với Khu du lịch Lăng Cô và nghĩa trang Trường Đồng, sẽ điều chỉnh tuyến đường du lịch tại khu vực Lăng Cô (đường Chân Mây) thành đường nội bộ khu du lịch. Kéo dài tuyến đường ven núi Phú Gia đến quốc lộ 1A thành tuyến thay thế với mặt cắt toàn tuyến 30m.
Điều chỉnh chức năng khoảng 180ha đất tại phía Nam trục trung tâm khu du lịch Lăng Cô từ đất phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp thành đất du lịch kết hợp nhà ở đô thị. Bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Mở rộng quy mô nghĩa trang Trường Đồng từ 3,5 ha thành khoảng 20ha; Khu du lịch Bãi Chuối (bao gồm khu vực bãi Chuối và bãi Cả), điều chỉnh, cập nhật diện tích từ khoảng 120 ha thành khoảng 220 ha.
Khu du lịch Cảnh Dương, điều chỉnh chức năng khoảng 270 ha đất phát triển du lịch và dịch vụ sinh thái cao cấp thành đất du lịch kết hợp nhà ở đô thị. Bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Điều chỉnh tầng cao tối đa các công trình cao tầng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Khu vực Lăng Cô - tối đa 40 tầng (+150m), Khu vực Cảnh Dương - tối đa 40 tầng (+150m), Khu vực Cù Dù - tối đa 25 tầng (+90m).
Quyết định số 995/QĐ-TTg cũng sửa đổi một số nội dung Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, trong đó sửa đổi về phân khu chức năng.
Cụ thể, khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp phân bố từ cửa Cảnh Dương, Cù Dù đến Cầu Từ Hiền, khu vực Lăng Cô ven núi Hải Vân và đảo Sơn Chà. Quy mô dự kiến khoảng 1.600 ha. Trong đó khu du lịch Lăng Cô 770 ha, khu du lịch Bãi Chuối 220 ha, khu du lịch đảo Sơn Chà 150 ha, khu du lịch Cù Dù 360 ha, các khu du lịch còn lại 100 ha.
Khu du lịch, du lịch cộng đồng kết hợp với nhà ở đô thị phân bố tại thị trấn Lăng Cô, Cảnh Dương và khu vực phía Tây đầm Lập An, Hói Mít, Hói Dừa quy mô khoảng 935 ha, bao gồm khu vực thị trấn Lăng Cô diện tích 315 ha, khu tái định cư đầm Lập An 30 ha, khu vực Hói Mít, Hói Dừa 320 ha, khu vực Cảnh Dương 270 ha.
Khu vực cây xanh sinh thái, vùng bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, đất cây xanh cách ly đường giao thông quốc gia, đường điện cao thế phân bố trên các khu vực núi như Hòn Voi, Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, núi Giòn... quy mô khoảng 2.173,5 ha.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tổ chức hướng dẫn thực hiện "Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025" đã được phê duyệt.
Laguna Lăng Cô vừa tăng vốn lên 2 tỷ USD và bổ sung hoạt động kinh doanh casino tại đây.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên-Huế tiếp tục có thêm 2 dự án kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch sinh thái biển, gồm dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Dương (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc).
Trong đó, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư TDH biển Hải Dương Huế có tổng diện tích đất 134ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Dự án còn lại (khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư nhằm xây dựng một khu du lịch-nghỉ dưỡng kết hợp các dịch vụ ẩm thực, vui chơi, tạo nên điểm nhấn đặc sắc tại khu vực đầm phá Cầu Hai.
Dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng (chưa kể tiền thuê đất); khu đất có chức năng là đất du lịch, thương mại dịch vụ này chủ yếu là đất mặt nước và 5.223,3m2 đất lúa; mật độ xây dựng không quá 25%; tiến độ thực hiện dự án không quá 48 tháng tính từ thời điểm thuê đất; thời gian thuê đất là 50 năm với hình thức nộp tiền thuê đất hàng năm.
Hiện nay, bên cạnh nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động có hiệu quả như Nirvana Spa & Resort, Cố Đô, Hương Giang, Thanh Tâm, Lăng Cô vẫn đang đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng vào nơi này như Khu du lịch Laguna Lăng Cô-Huế, Khu du lịch Bãi Chuối, Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, Khu phức hợp văn phòng, khách sạn Thủ Đức Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng Dream Palace...
Ngoài các đơn vị có chỗ đứng cách đây hàng chục năm như Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Tâm, du lịch Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), mới đây, Lăng Cô có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng.
Đáng chú ý, dự án Laguna Lăng Cô vừa tăng vốn lên 2 tỷ USD và bổ sung hoạt động kinh doanh casino tại đây. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh casino chiếm diện tích 2,64 ha với vốn đầu tư dự kiến 249,8 triệu USD. Các hạng mục đầu tư thêm so với quy mô cũ gồm khách sạn tăng từ 2.180 phòng lên 3.178 phòng; biệt thự tăng từ 1.180 căn lên 2.253 căn.