Điều chỉnh quy hoạch nâng tầng
Trong Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng thừa nhận một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Theo Bộ Xây dựng, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ. Kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận, làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân.
Quy hoạch nhiều khu đô thị đang bị "băm nát". (ảnh Trần Kháng)
Cùng với đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Thời gian lập đồ án thường kéo dài so với quy định, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển đô thị.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ theo quy định. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật song không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị.
Chưa thực hiện nghiêm chủ trương
Tại một số địa phương, triển khai thực hiện công tác phát triển đô thị còn chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch; Công tác báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị của các địa phương còn chưa chủ động, đầy đủ.
Việc tổ chức triển khai thực hiện quản lý phát triển đô thị tại nhiều nơi còn chưa nghiêm, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phát triển đô thị, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Nhiều khu đất khu cơ sở sản xuất sau di dời "biến" thành chung cư. (ảnh Trần Kháng)
Việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành TP. Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.
“Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành”, báo cáo Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài ra, trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan (ở Trung ương cũng như địa phương) còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý của cộng đồng dân cư. Chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.