Theo đó, gia hạn thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến năm 2026, để phù họp với tiến độ điều chỉnh của dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Trong đó, đổi tên thành dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM. Đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư (tăng vốn đối ứng) với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.353 tỷ đồng, tương đương 65 triệu USD. Dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 1.500 tỷ đồng tương đương 65,6 triệu USD. Nguồn vốn vay là 58,95 triệu USD (trong đó vốn vay ADB 10 triệu USD, vốn vay Quỹ công nghệ sạch – CTF 48,95 triệu USD). Nguồn vốn đối ứng khoảng 6,5 triệu USD.
Sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở, chi phí của nguồn vốn đối ứng phát sinh tăng do các yếu tố liên quan đến trượt giá, tỷ giá thay đổi và quy định về quản lý chi phí đầu tư. Việc thay đổi này không vượt tổng giá trị khoản vay ODA của dự án đã ký với ngân hàng ADB. Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến đủ đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cho các gói thầu của dự án với thời gian thực hiện dự án kết thúc vào tháng 12/2026.
Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM cho biết, để đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương trong khi chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, Ban QLĐSĐT kiến nghị UBND Tp.HCM chấp thuận phê duyệt điều chỉnh thời gian triển khai thi công dự án đến ngày 13/12/2020.
Dự án tuyến metro số 2, Tp.HCM giai đoạn 1 có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; xây dựng đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km; các công trình trên tuyến bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...Dự án vay vốn ODA từ các Nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), dự án được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm Thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.