Mới đây, các trang tin lớn của thế giới như Reuters, Bloomberg hay Automotive News đã đưa tin về việc VinFast chuẩn bị mở một cơ sở sản xuất pin xe điện tại một quốc gia châu Á. Cụ thể, nguồn tin riêng của Reuters cho rằng VinFast sẽ mở một nhà máy pin phục vụ sản xuất xe điện tại thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.
Trước đây, từng có tin cho rằng VinFast có kế hoạch lắp ráp xe điện tại Ấn Độ, nhiều khả năng là mua lại một nhà máy của một thương hiệu lớn. Tuy nhiên, nguồn tin riêng của Reuters cho biết rằng việc mở nhà máy pin và nhà máy xe là hai câu chuyện tách biệt.
Ở thời điểm hiện tại, thông tin về quy mô của nhà máy pin này vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, câu chuyện đáng nhắc tới là Ấn Độ đang thúc đẩy sản xuất pin cho xe điện.
Một bài viết trên tờ The Economic Times (Thời báo kinh tế) cho biết rằng Ấn Độ mong muốn trở thành một quốc gia có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu về xe điện vào năm 2030. Tất nhiên, để làm được điều đó thì Ấn Độ sẽ cần thúc đẩy phát triển một số nhóm ngành mà sẽ phụ trợ phát triển ô tô điện, tiêu biểu như khai thác và xử lý khoáng sản, hay chế tạo pin cho xe điện.
Nói riêng về nguồn cung nguyên liệu thô để sản xuất cell pin xe điện, Ấn Độ đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu từ nước ngoài - chủ yếu từ Trung Quốc với pin Li-ion và cell pin hoàn chỉnh, lý do là vì sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế.
Chuyên gia Rishabh Jain tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước Ấn Độ (CEEW) cho rằng: "Phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu khiến ngành công nghiệp xe điện Ấn Độ dễ tổn thương với các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu".
Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng chính phủ Ấn Độ đang có những động thái nhằm giảm phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu, tăng cường khả năng tự sản xuất ngay trong nước. Chuyên gia Rishabh Jain cho biết rằng hiện Ấn Độ đã và đang thực hiện một số sáng kiến như Chương trình Chuyển đổi và Sản xuất Nhanh hơn Xe hybrid và Xe điện (Faster Adoption and Manufacturing of Hybrid & Electric Vehicles Scheme - FAME II), hay Chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất (Production-Linked Incentives Scheme - PLI) nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Trong 2 chương trình vừa nêu, PLI là chương trình mang tới nhiều hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng nhà máy pin tại Ấn Độ.
Cụ thể hơn, Nội các Liên minh Ấn Độ (Union Cabinet) năm 2021 đã chấp thuận Chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất PLI nhằm thúc đẩy xây dựng các cơ sở sản xuất cell pin sử dụng hóa chất tân tiến (Advanced Chemistry Cell - ACC) và hệ thống pin lưu trữ năng lượng (Battery Storage) tại Ấn Độ. Chương trình này dự kiến kéo dài trong 5 năm.
Chương trình này cung cấp các ưu đãi tài chính cho các công ty sản xuất trong những ngành được xác định là quan trọng hoặc có tiềm năng tăng trưởng và xuất khẩu, nhấn mạnh đến sản xuất các sản phẩm như đồ điện tử, dược phẩm, hay pin ô tô điện. Bên cạnh đó, chương trình cũng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất pin ACC và hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Ấn Độ.
Bên cạnh các chính sách hướng tới khâu sản xuất, Ấn Độ cũng dành sự quan tâm đến an ninh tài nguyên, trong đó có nỗ lực mở rộng khai thác ở cả trong và ngoài Ấn Độ. Song song, Ấn Độ cũng đã gia nhập Hợp tác Vì An ninh Khoáng sản (MSP) do Mỹ khởi xướng, nhằm thúc đẩy đầu tư vào nguồn cung khoáng sản quan trọng và chuỗi giá trị.
Những chiến lược này của Ấn Độ đều nhằm gia tăng khả năng sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu và hạ chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn cung các khoáng sản quan trọng để sản xuất pin xe điện như liti, niken, côban hay mangan.