Đây là năm thứ hai Diễn đàn VSF được tổ chức tại Hà Nội. VSF năm 2018 đã khẳng định "Tăng trưởng xanh được cho là con đường duy nhất cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam".
Ông GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) – đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn, cho biết nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kỷ lục trong năm 2018. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực, lên đến 7%, thặng dư thương mại gấp hơn 3 lần năm 2017 đạt 7,21 tỷ USD, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD.
Kết quả trên rất đáng khích lệ trong điều kiện Chính phủ kiên trì mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội, ông nói và nhấn mạnh đó là tăng trưởng nhanh và bền vững.
"Rõ ràng chiến lược này yêu cầu thúc đẩy thuộc tính bao trùm không chỉ về kinh tế, mà còn chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên", ông Khương nhận định.
Bởi, về lâu dài, tăng trưởng nhanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn lực con người, nhất là khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chủ đạo trong sản sinh giá trị gia tăng.
Ở cấp độ vĩ mô, con người cũng là nhân tố quyết định đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp. Theo báo cáo đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, Việt Nam xếp hạng 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2017. Nhưng Việt Nam chỉ xếp hạng 66/126 về nguồn lực con người và nghiên cứu, trong đó tiêu chí đào tạo dịch vụ, và R&D có xếp hạng thấp, lần lượt là 84 và 81.
Theo ông Khương, một chiến lược tập trung vào chất lượng "vốn con người" sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công với xu thế phát triển bền vững và chuyển đổi số. Thiếu con người tốt và thiếu đầu tư vào "vốn con người" thì sẽ đưa đến thua thiệt trong hội nhập, cạnh tranh, bỏ lỡ cơ hội từ CMCN 4.0, và khó có thể bứt phá, ngay cả khi có bộ máy tốt và nhiều ý tưởng kinh doanh hay.
Do vậy, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực mang tính quyết định như (1) Nguồn nhân lực; (2) Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu; (3) Nông nghiệp thông minh; (4) Giải pháp về môi trường; và (5) Công nghiệp 4.0.
Đây là những chủ đề sẽ được thảo luận tại Diễn đàn bền vững (VSF2019) lần 2 do AVSE Global phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức vào 2 ngày 17-18/01/2019 với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững". Sự kiện được thực hiện với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Ngoại giao.
Nội dung chủ đạo của Diễn đàn 2019 sẽ bàn về phương hướng phát triển kinh tế, toàn diện xã hội đi đôi với việc bảo vệ môi trường với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế
Bên cạnh việc thảo luận về việc phát triển mô hình kinh tế và xã hội mới để hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, nâng cao năng lực của nền kinh tế, VSF sẽ có thêm 5 nhóm hội thảo chuyên đề gồm:
(1) Xây dựng nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững
(2) Nông nghiệp thông minh để phát triển bền vững
(3) Quản lý chính sách biến đổi khí hậu trong thực thi và hợp tác khu vực
(4) Những giải pháp sáng tạo vì sự bền vững môi trường tại Việt Nam (đồng tổ chức với Viện Môi trường Hàn Quốc)
(5) Đón đầu công nghiệp 4.0 và tác động của nó đối với biến đổi kinh tế và xã hội
VSF 2019 có sự tham gia của ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Wiesen Caitlin - Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Rielander Jan - Giám đốc chương trình rà soát quốc gia của OECD, Laperriere Andre - Giám đốc điều hành sáng kiến dữ liệu mở toàn cầu về nông nghiệp và dinh dưỡng, Zapolsky Céline - Phó chủ tịch hiệp hội giới chủ Pháp (MEDEF International), Kum Dong Hwa - Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, và nhiều lãnh đạo bộ ngành trung ương và địa phương, chuyên gia và nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước.