Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, theo Chương trình EPS được mua bảo hiểm Covid-19.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 9/2021, có 6.779 lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng lao động (trong đó có 2.303 lao động đã thực hiện ký quỹ), nhưng chưa xuất cảnh.
Từ ngày 19/5/2021, Hàn Quốc và Việt Nam thống nhất nối lại việc tiếp nhận, và phái cử lao động theo Chương trình EPS sau hơn 1 năm gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai bên đã phối hợp đưa 373 lao động sang Hàn Quốc làm việc, đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, số lượng lao động xuất cảnh vẫn còn thấp, kết quả trên một phần xuất phát từ nguyên nhân Hàn Quốc lo ngại lao động Việt Nam không có bảo hiểm Covid-19, nếu bị nhiễm bệnh sau khi nhập cảnh, người lao động không có khả năng chi trả các chi phí y tế, điều trị (khoảng từ 2.000 - 8.000 USD/người tùy mức độ nhiễm và điều trị).
Vào tháng 7/2021, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Hàn Quốc là 4,3%, thị trường việc làm phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, đồng thời Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong nước.
Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động nước ngoài của Hàn Quốc, trong đó, chủ yếu là lao động theo Chương trình EPS đang hợp tác với 16 quốc gia phái cử gia tăng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lao động Việt Nam luôn được chủ sử dụng lao động phía Hàn Quốc đánh giá cao, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia phái cử số lượng lớn lao động sang Hàn Quốc làm việc trong những năm qua.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải: "Việc Việt Nam chủ động xây dựng chính sách, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình sẽ tận dụng được lợi thế, gia tăng lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc trong giai đoạn tới, dự kiến có thể lên đến 5.000 đến 6.000 lao động/năm".
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp và kịp thời, có thể phía Hàn Quốc sẽ hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam, gia tăng tiếp nhận lao động của các quốc gia khác để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, dẫn đến việc đánh mất vị thế là một trong những quốc gia phái cử lao động lớn sang Hàn Quốc.
Trong năm 2021, phía Hàn Quốc đã tiếp nhận 2.649 lao động của Campuchia, 1.710 lao động Thái Lan. Trong đó, Campuchia đã có sản phẩm bảo hiểm Covid-19 cho lao động xuất cảnh, Thái Lan và Hàn Quốc đã ký hiệp định hợp tác tương hỗ.
Trong khi đó, khảo sát của cơ quan phái cử Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, trong số 6.779 lao động Việt Nam được lựa chọn ký hợp đồng lao động mới có 206 lao động tiêm 2 mũi vaccine, 830 lao động tiêm 1 mũi.
Tính tới thời điểm này, Hàn Quốc vẫn yêu cầu công dân Việt Nam và một số quốc gia dù đã tiêm vaccine hay chưa, đều phải cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày và tự chi trả chi phí điều trị nếu bị nhiễm Covid-19 trong thời gian này.
Trên cơ sở phân tích trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thí điểm triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm Covid-19 cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Bởi lẽ, đây là giải pháp Việt Nam có thể chủ động triển khai ngay, kịp thời nắm bắt cơ hội gia tăng phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2021 và những năm tiếp theo, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai nghiên cứu nâng mức độ ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc và các quốc gia về việc công nhận hộ chiếu vaccine; thỏa thuận hiệp định tương hỗ về chi phí điều trị Covid-19.