Đó là một buổi chiều đầy nắng ở Kingsmere, vùng ngoại ô của Bicester, 1 thị trấn nằm cách thủ đô London 80km về phía Bắc. Trên những con phố nhộn nhịp đông đúc người đi dạo và trẻ con chơi đùa. Trong 10 năm, 1.600 ngôi nhà đã mọc lên ở đây và 900 căn khác sẽ sớm được dựng lên. Tại văn phòng bán dự án Bovis Homes, Flip Baglee cho biết cô "không nghĩ là mình lại bận rộn đến vậy".
Không khí ở Rhinebeck, ngôi làng nằm cách New York City 80 dặm về phía Bắc, cũng tương tự. Nhiều căn nhà, từ biệt thự đến nhà riêng ở nông thôn, đang bán rất chạy.
Kingsmere và Rhinebeck không phải là những nơi duy nhất có thị trường bất động sản đang nóng lên. Giá nhà ở Mỹ đã tăng 11% trong 1 năm qua, mạnh nhất trong 15 năm. Giá nhà ở Anh và Đức cũng tăng lần lượt 8% và 9%. Tại 25 nước mà The Economist khảo sát, giá nhà thực tế đã tăng trung bình 5% trong 12 tháng gần nhất. Chỉ duy nhất Nhật Bản chứng kiến giá nhà giảm.
Ở nhiều nơi làn sóng bất động sản tăng giá nóng sốt đến nỗi đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia và các NHTW. Đi ngược lại với xu hướng bao trùm thập kỷ trước, trong sóng lần này giá ở các vùng ngoại ô thưa dân hơn nhưng đi lại vẫn thuận tiện – chứ không phải ở các thành phố trung tâm – là phân khúc tăng giá mạnh nhất.
Giá nhà ở nhiều nước tăng mạnh.
Nhìn qua thì điều này có vẻ vô lý. Giá bất động sản thường tỷ lệ thuận với sức khỏe nền kinh tế, mà hiện giá nhà lại đang bùng nổ trong khi nền kinh tế vẫn đang bị thiệt hại nặng vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có một số yếu tố bất nguồn từ đại dịch đang tạo nên cơn sốt bất động sản.
Thứ nhất, lãi suất đang ở mức siêu thấp: tại Mỹ lãi suất đối với các khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm đang thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với thời điểm 2010. Các đợt phong tỏa và cơ hội chi tiêu giảm mạnh, cùng với các gói hỗ trợ Covid-19 khiến những người vẫn giữ được việc làm có trong tay rất nhiều tiền mặt.
Lucian Cook, chuyên gia của hãng tư vấn bất động sản Savills, nhận xét giá nhà sẽ được quyết định bởi "những người có tiền chứ không phải người không có tiền". Tại Mỹ, 14% người nộp đơn xin phê duyệt khoản vay thế chấp trong tháng 2 là để mua ngôi nhà thứ hai – tỷ lệ cao gấp đôi so với tháng 4 năm ngoái.
Trong khi Covid-19 lây lan và nhiều nước thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, đối với nhiều người ngôi nhà cũng trở thành văn phòng làm việc, trường học, phòng tập, thậm chí là tiệm bánh. Do đó nhiều người đầu tư nhiều hơn cho nhà cửa. Doanh thu của Home Depot, chuỗi cửa hàng DIY lớn nhất ở Mỹ, đã tăng trưởng 20% trong năm ngoái. Tại Anh, số đơn xin cấp phép cải tạo nhà ở cũng tăng 30% trong năm 2020 so với mức trung bình giai đoạn 2016-19, theo công ty nghiên cứu thị trường Barbour ABI.
Một số người cũng tìm kiếm nơi ở mới. Hiện trung bình sẽ mất 47 ngày để bán 1 ngôi nhà ở Mỹ thay vì 59 ngày như năm trước. Tại Anh, chính sách tạm thời miễn thuế giao dịch nhà ở cũng khiến doanh số của quý IV/2020 tăng vọt lên cao nhất 14 năm.
Đối với những người muốn mở rộng không gian sống, giải pháp tốt nhất là chuyển khỏi các thành phố trung tâm. Ví dụ, giá trên mỗi foot vuông ở London hiện đang cao hơn 40% so với các vùng lân cận. Tuy nhiên giá ở những vùng thưa dân hơn nhưng vẫn đi lại thuận tiện lại tăng nhanh hơn so với các vùng đông dân nhất. Ở Mỹ cũng có xu hướng tương tự.
Tại Mỹ giá nhà ở những vùng thưa dân hơn lại tăng mạnh hơn.
Giá nhà tại các vùng ngoại ô của 7 thành phố lớn nhất ở Đức tăng 11% trong năm ngoái, so với mức tăng 6% ở những nơi bên trong 7 thành phố. Giá nhà ở những vùng ven biển phía Bắc Sydney tăng 10%.
Ngược lại, giá nhà ở trung tâm London và Sydney chỉ tăng 4% và 3% trong năm ngoái. Thậm chí tại Manhattan giá giảm 4%. Thị trường cho thuê cũng đang hạ nhiệt. Giá thuê căn hộ ở Sydney giảm 5% trong năm ngoái. Giá tại Melbourne, nơi bị áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài tới 111 ngày trong năm ngoái, giảm 8%. Còn tại Manhattan giá cho thuê cũng giảm 15%.
Đại dịch đã làm gián đoạn những "dòng chảy" thông thường tại các thành phố lớn. Trong những năm trước Covid-19, vẫn có nhiều người dọn ra khỏi London vì Brexit nhưng số người ra đi được bù đắp bằng nhóm người nhập cư từ nước ngoài. Tuy nhiên đại dịch khiến câu chuyện thay đổi. 1 ước tính cho rằng dân số của London đã giảm hoảng 8% trong năm 2020.
Australia đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ tháng 3.2020. Đối mặt với triển vọng phải làm việc tại nhà, nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp lựa chọn tiếp tục sống với bố mẹ. Một nghiên cứu của Fed Cleveland cho thấy lượng người di cư khỏi các thành phố ở Mỹ đã tăng gấp đôi so với mức trung bình giai đoạn 2017-19, lên 56.000 người mỗi tháng.
Khi đại dịch kết thúc, sức hấp dẫn của những thành phố lớn sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, những khu vực ngoại ô thưa dân hơn vẫn sẽ là một lựa chọn mà nhiều người hướng tới. Làm việc từ xa vẫn được duy trì kể cả khi dịch bệnh đã hết. Theo 1 khảo sát do Manpower thực hiện trên 20.000 nhà tuyển dụng trên khắp thế giới, 2/5 các ông chủ có kế hoạch cho phép nhân viên làm việc từ xa ít nhất là trong một vài thời điểm nhất định.
Mọi người cũng sẵn sàng hơn với việc mất nhiều thời gian đi lại nhưng sẽ được hưởng không gian sống rộng rãi hơn hoặc chi phí chỗ ở thấp hơn nếu như họ ít phải di chuyển hơn.
Cuối cùng, đà tăng giá nhà ở sẽ kéo dài bao lâu phụ thuộc khá nhiều vào các nhà hoạch định sách. Các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp dành cho người mua nhà và chủ sở hữu nhà ở sẽ bị rút lại khi hết dịch. Chính phủ New Zealand, nơi giá nhà đang tăng với tốc độ 22%/năm, đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp để ngăn tình trạng đầu cơ. NHTW Canada tuyên bố sẽ giám sát thị trường nhà đất cẩn thận.
Nhưng nguy cơ làm trật bánh đà hồi phục kinh tế khiến các nhà hoạch định chính sách cư xử khá mềm mỏng ở thời điểm hiện tại. Điều đó có nghĩa là cuộc tìm kiếm những căn nhà ở xa hơn nhưng rộng hơn vẫn sẽ tiếp tục.
Tham khảo The Economist